Đại dịch cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ, cuộc sống, sự an toàn của các em, thậm chí ở một mức độ nghiêm trọng và nhạy cảm hơn. Tổ chức Tầm nhìn Thế giới (World Vision) đã có bài viết về 5 phương diện chính có sức ảnh hưởng lâu dài đến trẻ em toàn thế giới do đại dịch COVID-19
1. Nạn đói
Những biện pháp cần thiết nhằm giảm sự lan toả của COVID-19 đã gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới. Trước khi đại dịch xuất hiện, có khoảng 746 triệu người đang sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khó, khoảng 821 triệu người không được đảm bảo lương thực. Hiện nay, Chương trình Lương thực thế giới đã cảnh báo sẽ có thêm khoảng 130 triệu người phải đối mặt với khủng hoảng thiếu lương thực và khoảng 265 triệu người có thể cần thức ăn để cứu sống bản thân họ.
Sự gia tăng của thất nghiệp hoặc thiếu việc làm tương đương với bối cảnh sẽ ít đi thức ăn trong gia đình, nhất là với những hoàn cảnh đang gặp khó khăn. Việc trường học đóng cửa càng tăng thêm áp lực cho các gia đình có trẻ em do khoảng 368 triệu trẻ em trên khắp 143 quốc gia trên thế giới từng có các bữa ăn tại trường là một nguồn dinh dưỡng chính.
Việc thiếu thức ăn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của trẻ em ở bất kỳ quốc gia nào. Và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới đang cố gắng mang đến những hỗ trợ cấp thiết cho các gia đình dễ bị tổn thương trên toàn thế giới trong giai đoạn khó khăn này.
Nhân viên của Tổ chức World Vision ở Honduras giao thức ăn và bộ sản phẩm vệ sinh đến một gia đình trong thời gian COVID-19 diễn ra. (© 2020 World Vision/hình ảnh bởi Jeox Media)
2. Giáo dục
Với nhiều gia đình, việc đối mặt với nhiều nơi đóng cửa và nhiều khu vực bị cấm hoạt động kéo dài là một gánh nặng thay vì niềm vui sướng. Trên toàn thế giới, có khoảng hơn 1.5 tỷ học sinh, sinh viên đang chịu ảnh hưởng từ việc trường học, cơ sở giáo dục đóng cửa.
Cho dù cả thế giới đang nỗ lực với các phương pháp học tập từ xa qua các thiết bị điện tử, đối với những trẻ em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập thấp, cách thức đó có vẻ xa xỉ và phi thực tế. Các em khó mà tiếp cận được với nguồn kiến thức cần thiết và cha mẹ cũng không thể hỗ trợ được do thiếu chi phí. Những thử thách này càng làm tăng thêm sự thiệt thòi của những người dễ bị tổn thương (gia đình khó khăn, trẻ khuyết tật, người nhập cư, trẻ em gái sống trong khu vực có bất bình đẳng về giới) khi phải đối mặt với việc bị gián đoạn việc học. Thậm chí khi đại dịch kết thúc, nhiều trẻ sẽ gặp khó khăn khi phải tự mình cố gắng để theo kịp với bạn bè trong lớp
Các bạn trẻ đang học về số học và chữ thông qua một nhóm trò chuyện với cha mẹ trong ứng dụng Whatsapp khi Zimbabwe đang có lệnh phong toả cả nước vì COVID-19. (© 2020 World Vision/hình ảnh bởi IGATE, World Vision Zimbabwe)
3. Bạo lực
Ngoài việc làm trầm trọng thêm sự bất lợi trong giáo dục, việc trường học đóng cửa cũng có nguy cơ đưa các em vào nhiều tình huống dễ bị bạo lực tổn thương. Vì các em phải ở nhà trong một khoảng thời gian dài, khả năng các em phải đối mặt với bạo lực về tinh thần, thân thể và tình dục càng cao. Trong khoảng thời gian này, các em khó mà cầu cứu và nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ thầy cô và chuyên gia. Đồng thời, sự căng thẳng, lo âu của người lớn khi phải ở nhà cũng có thể tìm cách giải toả bằng việc tổn thương những người bên cạnh, khả năng lớn là trẻ em trong gia đình.
Ngoài ra, khi trẻ em dành nhiều thời gian trên môi trường mạng, trẻ cũng dễ dàng trở thành đối tượng của bạo lực mạng, của những kẻ chuyên lừa đảo trên mạng hoặc thậm chí là mua bán người. Ở những khu vực còn tồn tại kết hôn trẻ em, nhiều trẻ em gái sẽ rơi vào tình huống bị ép buộc lấy chồng để có thể đổi lấy sính lễ giúp gia đình thoát đói (Tổ chức World Vision xem kết hôn sớm là một dạng bạo lực). Theo một báo cáo của Tổ chức World Vision, cơn đại dịch có thể khiến 13 triệu trẻ em phải kết hôn sớm. Và cũng trong thời gian 3 tháng của lệnh phong toả vì đại dịch, khoảng 53 triệu đến 85 triệu trẻ em đã phải đối mặt với các loại bạo lực. Tổ chức World Vision đã và đang kêu gọi sự hợp tác của chính quyền ở khắp nơi nhằm ưu tiên các biện pháp bảo vệ trẻ em, nhất là những em có nguy cơ cao bị bạo lực vì COVID-19.
Một bé gái sống ở khu ổ chuột của Bangladesh cùng cha mẹ của em đang phải đối mặt với việc thiếu thức ăn và thu nhập do lệnh phong toả vì dịch COVID-19. Cha mẹ của em cảm thấy bất lực trước tình hình (© 2020 World Vision/hình ảnh bởi Nahida Akter)
Mời các bạn đón xem phần 2 tại đây
-------------
Nguồn tham khảo: https://www.worldvisionadvocacy.org/2020/08/17/5-effects-of-pandemic-on-children-covid/
-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616