• 111
  • lang
  • lang

Giải mã những lời hứa hẹn không rõ ràng với người di cư lao động (Phần 2)

Làm thế nào để lòng không ngả nghiêng trước quá nhiều thông tin trên mạng? Làm thế nào có thể "vững như kiềng ba chân" trước những lời mật ngọt dụ dỗ? Cách tốt nhất là trang bị cho bản thân những thông tin chính xác và cập nhật nhất. Hãy để trang Nghĩ trước Bước sau đồng hành cùng bạn để chuẩn bị cho cuộc hành trình phía trước!

Một số dấu hiệu từ công ty lừa đảo môi giới lao động làm việc ở nước ngoài


- Dùng thông tin sai lệch, sơ sài trong hợp đồng ký kết và đặt người lao động vào nguy cơ vi phạm pháp luật. 

Thấy nhiều gia đình trong huyện có cuộc sống khá giả, ổn định hơn sau khi có con đi nước ngoài làm việc, ông Nguyễn Văn Hóa, ngụ ở xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cũng tìm hiểu để đưa con trai của mình là Nguyễn Văn Hòa sang Hàn Quốc làm việc mong thoát nghèo. Nhưng có lẽ cha con ông Hóa không may mắn như những gia đình kia khi gặp phải một công ty lừa đảo, không có chức năng phái cử lao động nhưng quảng cáo rầm rộ, nhận tiền rồi tìm cách chiếm đoạt.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), thị trường Hàn Quốc có 2 loại visa E9 dành cho lao động phổ thông và visa E7 dành cho lao động tay nghề cao. Với visa E9, đơn vị tiếp nhận hồ sơ và phái cử duy nhất là Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ. Còn visa E7 thường dành cho lao động có kinh nghiệm, kỹ năng tay nghề cao và tiếng Hàn tốt. Nếu doanh nghiệp muốn đưa lao động diện E7 sang Hàn Quốc phải đăng ký với Cục Quản lý lao động ngoài nước và được kiểm duyệt rất kỹ.

Trên hợp đồng mà đại diện cho Công ty Quốc tế Hàn Quốc Hana ký với Nguyễn Văn Hòa (con trai ông Hóa) lại thể hiện visa D4-1 (2 năm) và sau đó chuyển đổi lên D2 (4 năm). Visa D là visa mà phía Hàn Quốc cấp cho công dân nước ngoài đến Hàn Quốc học tập chứ không phải đi làm việc. Điều đáng nói, trên hợp đồng, nội dung rất sơ sài, nhiều sai sót về câu chữ, lỗi chính tả… Điều đó cho thấy Công ty Quốc tế Hàn Quốc Hana làm ăn cẩu thả, lấp liếm và mờ ám ngay trên cả hợp đồng ký với người lao động. Hãy đọc kỹ hợp đồng trước khi ký và nộp tiền để tránh bị lừa đảo

 

- Thiếu các loại giấy xác nhận, cam kết với người lao động. Đừng vội đóng tiền cho công ty nếu thấy những dấu hiệu:


❌Không có giấy cam kết mức phí đã thông báo
❌Không làm giấy xác nhận khi nhận tiền
❌Phiếu thu không có thông tin công ty và không có dấu đỏ

 

- Sử dụng loại visa không được phép làm việc để chào mời người lao động (Visa tôn giáo). Không phải cứ có visa là được ra nước ngoài làm việc:

Chắc những "đơn hàng" như trong ảnh không còn xa lạ trên các hội nhóm về xuất khẩu lao động trên Facebook. Tương tự như những bài mời chào về visa tôn giáo là mời chào visa học tiếng với "quyền lợi" quá tốt như "chỉ học 2 buổi rồi làm 3 buổi, sau 2 tuần thì đi làm 5 ngày". Liệu những lời đường mật ấy có là thật?

📌Chỉ bằng một cú nhấp chuột trên Google, có thể dễ dàng tìm thấy visa tôn giáo D-6 của Hàn Quốc chỉ cho phép: một người tham gia vào hoạt động tôn giáo hoặc dịch vụ xã hội được Bộ Tư pháp Hàn Quốc cấp phép (nguồn: https://www.visa.go.kr/openPage.do?MENU_ID=1010201). Vậy chắc chắn không thể làm việc.

📌Còn nếu bạn hiểu nhưng cố tình chấp nhận để lao động bất hợp pháp, hãy trước tiên nghĩ đến các hậu quả như:
❌Không được hưởng phúc lợi nào như chữa bệnh, mua thuốc (hãy tưởng tượng trong tình hình dịch bệnh COVID-19)
❌Không được chủ trả tiền lương hoặc chẳng có công việc nào (vì bạn đâu có hợp đồng hợp pháp để được pháp luật bảo vệ)
❌Điều kiện làm việc tồi tệ
❌ Bị bắt, trục xuất và bị cấm nhấp cảnh nước đó trong nhiều năm

Hãy nghĩ trước khi quyết và biết trước khi đi!

Xem lại phần 1 tại đây

----------------
Nguồn tham khảo:

Báo Người lao động
Nghĩ Trước Bước Sau: https://www.facebook.com/media/set/?vanity=nghitruocbuocsau&set=a.183990439894541
----------------
Ra nước ngoài làm việc luôn là một quyết định lớn và cần được chuẩn bị thấu đáo, cẩn trọng. Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” (TMSV) - Dự án được tài trợ bởi Bộ Nội vụ, Vương quốc Anh - thông qua trang thông tin "Nghĩ trước bước sau”, trang Facebook và Kênh Zalo của Tổng đài 111 cung cấp cho bạn thông tin để tìm hiểu thật kỹ càng trước khi đưa ra quyết định. Xem các tập phim của series “Nghĩ trước bước sau” và cập nhật các bài viết trên các kênh truyền thông của Tổng đài 111 nằm trong chiến dịch “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” để cập nhật kiến thức, theo dõi tin tức chính thống về lao động và việc làm ở nước ngoài, đặc biệt là tại Anh cho người Việt Nam.

Facebook Nghĩ trước bước sau: https://www.facebook.com/nghitruocbuocsau

Xem phim Nghĩ trước bước sau: https://www.shorturl.at/bJOVW

Tổng đài quốc gia 111: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte

Tài khoản Zalo chính thức của Tổng Đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616