• 111
  • lang
  • lang

Hướng dẫn trình bày ý tưởng thiết kế Game tham dự Cuộc thi "Sáng tạo Ý tưởng trò chơi bảo vệ trẻ em 2022".

Cuộc thi được khởi động ngày 8/9/2022, dự kiến Vòng chung kết và trao giải diễn ra vào tuần 3 tháng 10 năm 2022.

A. Các lưu ý về việc xây dựng và trình bày ý tưởng tham dự cuộc thi

Định dạng bản trình bày ý tưởng có thể được thể hiện dưới dạng bản in (.doc, .pdf), dạng bản trình chiếu (power point) hoặc dạng video trailer game.Ứng viên vui lòng lưu trữ các hình ảnh mô tả ý tưởng lên các dịch vụ lưu trữ trung gian và cung cấp link truy cập cho Ban tổ chức. Các dịch vụ lưu trữ thường được sử dụng như: Google Drive, Google doc, Dropbox, OneDrive, Mega, Box, Mediafire, iCloud, Youtube…Ban tổ chức sẽ tiến hành lưu trữ và đánh giá bài dự thi của ứng viên dựa trên các tài liệu vào thời điểm xác nhận đăng ký tham gia. Các thay đổi trong bài dự thi sau thời điểm hết hạn đăng ký tham dự sẽ không được cập nhật và đánh giá. Vì vậy, khi có bất cứ thay đổi nào về bài dự thi sau khi đã xác nhận đăng ký, vui lòng liên hệ với ban tổ chức qua tongdai111mobile@gmail.com

B. Các thành phần cần có trong bản trình bày ý tưởng thiết kế game

Ban tổ chức khuyến khích các ứng viên tham dự cuộc thi cung cấp bài dự thi bao gồm đầy đủ các thông tin cơ bản như sau:

1. Giới thiệu tóm tắt về ý tưởng

Từ chìa khóa (Keyword) của ý tưởng trò chơi bạn đang muốn xây dựng: Hãy cố gắng dùng 4 từ ngắn gọn nhất để mô tả về 4 yếu tố trong ý tưởng của bạn:

- Giá trị đem lại: là mục tiêu, giá trị cốt lõi về cảm xúc hoặc lĩnh vực kiến thức mà trò chơi đem lại.

- Thể loại: cho biết sản phẩm khi hoàn thành sẽ được xếp vào thể loại nào trên thị trường game (RPG, MMO, Casual…). Ứng viên cũng có thể sử dụng các từ thông dụng khác để thay thế miễn sao mô tả được đúng thể loại của trò chơi hướng tới. Ví dụ: Xếp hình, giải đố, nhập vai…

- Môi trường: là khoảng không gian mà trò chơi sẽ diễn ra. Ví dụ: trong phòng khách, trong phòng bếp, ngoài đường phố, Trường học…. Nếu không có hãy nêu rõ là không có.

- Bối cảnh: mô tả về khoảng thời gian, hoàn cảnh, thế giới mà câu chuyện của bạn đang diễn ra, điều này giúp định hình được phong cách thiết kế của hình ảnh sau này. Ví dụ: Trong tương lai, Hiện tại, thời vua Hùng…

Ví dụ: Toán học – Giải đố - Làng của Trạng Tí – Thời Hậu Lê

Mô tả ngắn gọn về ý tưởng : Ứng viên hãy dùng một đoạn văn để giải thích rõ hơn cho 4 keywords vừa nêu ở trên. Các bài dự thi cũng nên nêu rõ được mức độ phù hợp của 4 yếu tố trên với chủ đề của cuộc thi là “Bảo vệ trẻ em”. Cốt truyện cơ bản của trò chơi : Nếu trò chơi có nhiều giai đoạn, ảnh hưởng tới sự thay đổi về hình ảnh và cách chơi hãy mô tả khái quát về ý tưởng của bạn. Ví dụ: Siêu nhân nhí sẽ lần lượt khám phá các hành tinh trong hệ mặt trời lần lượt là: sao hỏa, sao mộc, sao kim….

2. Ý tưởng hình ảnh của trò chơi

Hình mẫu nhân vật chính của trò chơi: ứng viên có thể dùng từ ngữ để miêu tả rõ ràng về hình mẫu nhân vật chính trong trò chơi. Nếu có thể, hãy cung cấp các bản vẽ phác thảo hoặc hình mẫu gần tương tự để hình dung rõ hơn về nhân vật chính của bạn.

Ví dụ: Ứng viên có cũng có thể chủ động tìm kiếm các hình ảnh trên mạng nhưng có kèm mô tả về các thay đổi, khác biệt của nhân vật như dưới đây để minh họa cho nhân vật. Các bài dự thi có bản vẽ tay hoặc hình ảnh thiết kế riêng sẽ được đánh giá cao hơn.

Minh họa hình ảnh Super Kid: cậu bé châu Á, tóc đen, mặc áo màu xanh có logo Tổng đài 111 ở ngực, giày găng tay và áo choàng màu đỏ.

Bố cục của màn hình trò chơi: Tương tự như hình ảnh nhân vật, người chơi cũng có thể các hình ảnh minh họa gần tương tự hoặc hình vẽ (ưu tiên), kèm các mô tả để giúp hình dung được vị trí cụ thể của các thành phần trên màn hình của bạn muốn có. Vị trí của nhân vật chính mà bạn muốn thể hiện; Lộ trình phát triển hình ảnh (Cốt truyện): Nếu như trò chơi của bạn cho phép người chơi trải qua nhiều bối cảnh, không gian khác nhau, hoặc có sự thay đổi về hình ảnh phát triển của nhân vật, hãy mô tả về định hướng này của bạn.

3. Cách chơi

Hãy mô tả các thao tác người chơi có thể thực hiện trong trò chơi và cách để giành chiến thắng. Gợi ý về các yếu tố nên có trong bản trình bày:

Cách thức trò chơi bắt đầu triển khai: Ví dụ khi bắt đầu trò chơi, nhân vật sẽ tự động di chuyển từ trái sang phải, trên đường đi sẽ xuất hiện các chướng ngại vật. Mục tiêu của trò chơi (Điều kiện chiến thắng): Ví dụ, người chơi phải điều khiển nhân vật chính nhảy lên để tránh khỏi các chướng ngại vật trên đường đi. Khi chạy tới đích sẽ giành chiến thắng. Điều kiện thua: ví dụ, nhân vật có 3 trái tim, mỗi lần chạm vào chướng ngại sẽ mất 1 trái tim, khi hết trái tim sẽ thua. Các thao tác chính trong trò chơi: ví dụ, người chơi bấm vào màn hình 1 lần để nhân vật nhảy lên, bấm 2 lần để nhân vật nhảy cao hơn, giữ tay trên màn hình để nhân vật cúi xuống. Các hệ thống trong trò chơi: hãy cố gắng phân loại và mô tả chức năng các loại hệ thống chính trong trò chơi của bạn có. Ví dụ:

Hệ thống kỹ năng của nhân vật:Hệ thống các cạm bẫy của trò chơi: đinh, búa, ổ điện…Hệ thống vật phẩm tương tác khác: lò xo- giẫm vào sẽ bật lên cao,…Hệ thống tính điểm (nếu có), cách tính điểm…

4. Yếu tố hấp dẫn của ý tưởng

Ứng viên hãy trình bày các điểm đặc sắc của ý tưởng của mình để giúp người chơi có trải nghiệm tốt, muốn tiếp tục tham gia trò chơi hoặc rủ bạn bè tham gia.Các tính năng đặc sắc khác không liên quan tới gameplay.

Cuộc thi Sáng tạo Ý tưởng trò chơi bảo vệ trẻ em được tổ chức nhằm tạo ra một sân chơi lành mạnh, thúc đẩy phát triển tư duy sáng tạo ý tưởng xây dựng trò chơi trực tuyến nhằm nâng cao nhận thức và kĩ năng cho trẻ em và thanh thiếu niên để phòng tránh xâm hại trẻ em và sử dụng công nghệ thông tin an toàn. Đồng thời, cuộc thi giúp thúc đẩy nhận thức của cộng đồng về Bảo vệ trẻ em trên môi trường trực tuyến và ngoại tuyến. Đây là một phần hoạt động của dự án “Tăng cường hiệu quả của hệ thống Bảo vệ Trẻ em tại Việt Nam” do ChildFund Việt Nam, ChildFund Hàn Quốc và công ty Bảo hiểm Nhân thọ Hanwha Life tài trợ.

---

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn