Trong mọi hoàn cảnh, trẻ em luôn cần được bảo vệ. Đặc biệt là trong hoàn cảnh cách li hay giãn cách xã hội thì việc bảo vệ trẻ em và trang bị cho các em kiến thức tự bảo vệ rất cần thiết. Chương trình Chuyện nhà ngày 30/7 của Truyền hình Vì trẻ em VTV1 đã cùng các vị khách mời trao đổi về việc làm thế nào để bảo vệ trẻ em trong khu cách li và phòng tránh những rối nhiễu tâm lý cho trẻ em.
Khách mời của chương trình là Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Kim Hoa - Phó cục trưởng Cục trẻ em - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và chuyên gia tâm lý: Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền.
Khi trẻ em trở thành F0, F1 hoặc trong diện cần cách ly tập trung thì việc đưa trẻ đi cách ly để điều trị, phòng chống dịch Covid-19 là cần thiết. Tuy nhiên việc bảo vệ trẻ em cũng phải được ưu tiên vì không thể tránh khỏi những trường hợp trẻ bị bị xâm hại trong khu cách li thì cơ sở.
Theo bà Vũ Thị Kim Hoa - Phó cục trưởng Cục trẻ em: căn cứ vào Luật Trẻ em 2016 và Nghị định 56/2017/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em, nếu trường hợp trẻ bị xâm hại trong khu cách li thì cơ sở cách li cần thực hiện ngay các việc sau:
1. Người phát hiện phải thông báo ngay sự việc với quản lý của cơ sở cách li, sau đó cán bộ khu cách ly cần phải thông báo cho UBND xã nơi xảy ra vụ việc xâm hại; thông báo đến cơ quan Lao động, Thương binh và Xã hội các cấp; Công an địa phương hoặc gọi điện tới Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111.
2. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, UBND xã phải triển khai ngay các biện pháp hỗ trợ trẻ: giao cho cán bộ trẻ em cấp xã thực hiện đánh giá tình hình của trẻ bị xâm hại để đưa ra các phương hướng giải quyết. Nếu rơi vào trường hợp khẩn cấp, UBND cấp xã cần triển khai ngay các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp trong vòng 12h từ khi nhận được thông tin.
3. Tách trẻ khỏi môi trường nguy hiểm, đảm bảo cho trẻ có một môi trường an toàn. Có người chăm sóc, theo dõi tình hình của trẻ cả về thể chất và tâm lý.
4. Cán bộ bảo vệ trẻ em cần lập kế hoạch hỗ trợ, can thiệp cho trẻ và được UNBD cấp xã phê duyệt. Trong trường hợp cần thiết, phối hợp với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em để hỗ trợ việc can thiệp khẩn cấp. Kế hoạch hỗ trợ, can thiệp cho trẻ có sự phối hợp với cơ quan công an, cơ quan y tế.
5. Các thông tin về tố giác tội phạm vụ việc xảy ra sẽ tiếp tục được xử lý theo Bộ luật Tố tụng hình sự.
Khi tình hình dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam vào những tháng đầu năm 2020, Cục Trẻ em - Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đã triển khai nhiều các hoạt động cần thiết để bảo vệ trẻ em trước tình hình dịch bệnh: Tham mưu cho Ủy ban quốc gia về phòng chống dịch bệnh Covid-19 bên cạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở các địa phương theo hướng dẫn của Bộ Y tế cần có các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở các khu cách li tập trung. Bộ LĐ, TB&XH có văn bản chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ phải cách li tập trung hoặc trong thời gian dãn cách xã hội. Triển khai các hướng dẫn cho cán bộ làm việc tại các khu cách li tập trung, cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ về các quy định về đảm bảo an toàn cho trẻ em...
Với những trẻ trong khu cách li. Biện pháp tự bảo vệ rất cần thiết và các em phải tuân thủ những qui định và nguyên tắc của khu cách li. Người có hành vi dụ dỗ trẻ em để quan hệ TD, các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra và có biện pháp xử lý theo qui định của pháp luật. Tuy nhiên trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay thì ngay trong chính gia đình cha mẹ cần phải hướng dẫn cho các em kỹ năng để phòng chống xâm hại tình dục. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, cha mẹ cần sớm trang bị cho con cái những vùng cấm trên cơ thể (vùng đồ bơi); nhận biết không gian an toàn, thời điểm an toàn; cung cấp các số điện thoại có thể giúp trẻ ngay lập tức như: 111, số điện thoại của cha mẹ; nhận diện những người có thể giúp đỡ trẻ: cán bộ khu cách li, công an...
Chi tiết chương trình:
Trong điều kiện khó khăn của đại dịch thì việc bảo vệ trẻ trẻ em phòng tránh các nguy cơ xâm hại lại càng khó khăn hơn. Để tránh các nguy cơ thì trước tiên các bậc cha mẹ cần hướng dẫn các kỹ năng tự bảo vệ cho con em mình và trong trường hợp khẩn cấp, hoặc có vấn đề cần tư vấn hãy gọi 111 Tổng đài QG bảo vệ trẻ em. Tổng đài có nhân viên tư vấn thường trực 24/7 và hoàn toàn miễn phí.
-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616