Môi trường gia đình tốt nhất là môi trường có thể nuôi dạy trẻ và đáp ứng nhu cầu phát triển của các thành viên, là nguồn hỗ trợ, động viên, là môi trường an toàn và đầy tình yêu thương. Cha mẹ có thể nuôi dạy con mình trở thành người ưa bạo lực, thích gây gổ với mọi người; hoặc nuôi dạy trẻ thành nạn nhân bạo lực, chấp nhận số phận, sống lệ thuộc vào người khác; hoặc trở thành một người thấu hiểu, biết sẻ chia, là người tự trọng, tự tin và không bạo lực.
Làm thế nào để dạy con trở thành người tự trọng, tự tin và không bạo lực?
Hãy tôn trọng cảm xúc của trẻ.
Theo lý thuyết hành vi thì con người là một sinh vật cần được để ý đến nhu cầu. Vì thế, để thay đổi được hành vi cho trẻ, bố mẹ cũng cần vận dụng quy tắc này. Thay vì việc áp đặt cho con, bố mẹ nên tạo điều kiện, cơ hội cho con tự khám phá, thể hiện bản thân. Cha mẹ nên học và tìm cách để nhận ra cảm xúc của con, hiểu và chia sẻ cảm xúc với con. Trong những trường hợp bố mẹ “buộc phải xung đột với con” thì cố gắng tối thiểu hóa sự mâu thuẫn đến mức thấp nhất, tránh những nguy hại cho trẻ. Nguyên tắc tổng quát là “tránh những xung đột không cần thiết để tránh tổn thất lâu dài”.
Một số gợi ý thể hiện sự tôn trọng cảm xúc của trẻ.
1, Khuyến khích trẻ bày tỏ cảm xúc ngay từ khi còn rất nhỏ. Nói cho trẻ biết rằng trẻ có quyền bộc lộ các cảm xúc theo ý muốn của mình những cần chỉ ra hành vi nào đi kèm không được chấp nhận. Lưu ý, cha mẹ cần làm gương cho trẻ trước.
VD: Khi buồn, trẻ có thể khóc; khi cảm thấy tức giận, trẻ có thể chia sẻ, làm cái gì đó không gây hại cho bản thân và người khác. Những không được đánh người khác, bỏ ăn, đi lang thang. Đồng thời, cha mẹ cần làm gương cho trẻ, khi tức giận với trẻ, nếu không thể kiên nhẫn để giải thích với trẻ, hãy tạm thời im lặng và rời đi chỗ khác một chút, khi bình tĩnh hay quay lại và trò chuyện với trẻ về vấn đề vừa xảy ra. Tuyêt đối không sử dụng bạo lực với trẻ.
2, Không nên giảm nhẹ mức độ cảm xúc mà cha mẹ cho rằng nó có hại cho trẻ.
Đôi khi trẻ bộc lộ những cảm xúc tiêu cực như chán nản, giận dữ, cho mình là ngu ngốc, thiếu tự tin vào bản thân... Trong những trường hợp đó, cha mẹ thường tìm mọi cách để làm giảm cảm xúc đó hoặc thậm chí cố ý lờ đi hoặc chất vấn, không tin trẻ, có xu hướng đổ lỗi cho trẻ. Điều này có thể dẫn đế trẻ có thái độ cam chịu, nói dối, né tránh.
3, Tránh cho trẻ sự yên tâm “giả tạo” bằng cách trấn áp, dẹp bỏ cảm xúc tiêu cực. Nên cung cấp cho trẻ một môi trường thật, cuộc sống thật, khuyến khích trẻ nhìn nhận vấn đề theo hướng trung thực, lạc quan, cho trẻ biết đâu là cái phóng đại của xã hội, đâu là thực chất của vấn đề được nêu trên báo, phim ảnh..
4, Công nhận mọi cảm xúc của trẻ là đúng và được cho phép nhưng yêu cầu trẻ giải thích về cảm xúc đó.
Nếu cha mẹ phủ nhận cảm xúc đó của trẻ thì trẻ khó có khả năng thích nghi với hoàn cảnh, từ chối cảm xúc của người khác. Do đó không thể kết bạn cũng như tham gia vào các tổ chức, các nhóm hoạt động, gặp nhiều khó khăn trong hòa nhập.
5, Giúp con nuôi dưỡng và thể hiện khả năng biết yêu thương, biết chia sẻ, quan tâm tới người khác được nảy nở từ bên trong tâm hồn chứ không phải là thứ cha mẹ có thể áp đặt cho con từ bên ngoài.
Như vậy đó, khi cha mẹ thể hiện cảm xúc tôn trọng cảm xúc của trẻ sẽ giúp trẻ nhận biết được cảm xúc của bản thân và đòi hỏi người khác cũng nhận ra và tôn trọng cảm xúc của mình, chứ không phải áp đặt, chà đạp lên cảm xúc của người khác. Trẻ nhận được giá trị của bản thân, bộc lộ thể hiện cảm xúc trong cuộc sống mà không bị sợ hãi, lo lắng phản ứng của người khác hoặc bị chi phối bởi cảm xúc của người khác.
Xem tiếp phần 2 (tại đây)
Hãy liên hệ với tổng đài 111 hoặc số điện thoại 02437476154 nếu bạn đang mong muốn được hỗ trợ trực tiếp.
Văn phòng tư vấn trị liệu tâm lý trẻ em - số 44/84 Ngọc Khánh - Ba Đình - Hà Nội:
- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý miễn phí cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc bị ảnh hưởng của bạo lực dẫn đến sang chấn tâm lý.
- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý trực tiếp cho những trẻ em bị rối nhiễu như trẻ tự kỉ, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ bị trầm cảm, trẻ chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển ngôn ngữ.
- Tham vấn tâm lý làm bạn cùng con ở tuổi dậy thì
- Tham vấn tâm lý stress, trầm cảm, lo âu.