Tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên (TPNCTN) gồm 10 chương và 179 điều, chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2026.
Luật thể hiện tính nhân đạo, nhân văn khi đặt trọng tâm vào bảo vệ và giáo dục trẻ em thay vì chỉ tập trung vào trừng phạt.
Đảm bảo tính nhân đạo
Luật TPNCTN nhấn mạnh, người chưa thành niên, ngay cả khi vi phạm pháp luật, vẫn là đối tượng cần được bảo vệ.
Các điều khoản đặt trọng tâm vào quyền được đối xử công bằng và đảm bảo các quyền cơ bản: Quyền được bảo vệ danh tính, quyền không bị đối xử thô bạo hay xúc phạm nhân phẩm; quyền được lắng nghe...
Các đại biểu bấm nút thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên
Các hình thức giam giữ được coi như biện pháp cuối cùng và với thời gian ngắn nhất có thể, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của việc giam giữ đối với sự phát triển tâm lý và xã hội của trẻ.
Các thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phải bảo đảm đơn giản, thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành và khả năng nhận thức của người chưa thành niên. Đồng thời, bảo đảm công bằng, không kỳ thị, không phân biệt đối xử đối với người chưa thành niên; quan tâm đến nhu cầu chính đáng của người chưa thành niên...
Luật TPNCTN cũng đề cao và ưu tiên biện pháp giáo dục, phục hồi thay vì áp dụng các hình phạt nghiêm khắc. Luật cũng thể hiện rõ tính nhân đạo khi cấm công khai danh tính hoặc thông tin của người chưa thành niên trong các vụ án hình sự để tránh gây tổn hại danh dự và kỳ thị xã hội.
Hồ sơ phạm tội của người chưa thành niên sẽ được xóa bỏ sau một thời gian nhất định, tạo cơ hội cho các em xây dựng lại cuộc sống.
Thể hiện tính nhân văn
Luật TPNCTN thể hiện tính nhân văn khi coi trọng các yếu tố, hoàn cảnh đặc thù của người chưa thành niên.
Từ các yếu tố khách quan (môi trường sống bất lợi, nghèo đói, bạo lực gia đình, thiếu sự quan tâm giáo dục từ cha mẹ) đến các yếu tố chủ quan (khả năng nhận thức chưa hoàn thiện, chưa đủ trưởng thành để hiểu rõ hậu quả từ hành vi của mình…) đều được xem xét để đưa ra các biện pháp xử lý nhân văn, mang tính giáo dục và hỗ trợ thay vì chỉ tập trung trừng phạt.
Luật TPNCTN cũng đặt trọng tâm vào sự phục hồi và tái hòa nhập, giúp người chưa thành niên nhận thức được sai lầm và thay đổi hành vi thông qua các chương trình giáo dục và tư vấn tâm lý.
Đáng chú ý, Luật TPNCTN quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội.
Mục đích xử lý chuyển hướng nhằm xử lý kịp thời và hiệu quả, giúp người chưa thành niên thay đổi nhận thức, nhận biết, sửa chữa sai lầm đã gây ra, tự rèn luyện khắc phục, ngăn ngừa nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội và giáo dục họ trở thành công dân có ích cho xã hội.
Đồng thời, đẩy mạnh việc hòa giải giữa người chưa thành niên và bị hại bị ảnh hưởng bởi hành vi phạm tội của người chưa thành niên.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Luật TPNCTN là một bước tiến vượt bậc trong việc xây dựng một hệ thống pháp luật nhân đạo và nhân văn khi trao cho các em cơ hội làm lại cuộc đời. Điều này cũng phù hợp với các nguyên tắc quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (UNCRC).
https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/luat-tu-phap-nguoi-chua-thanh-nien-the-hien-tinh-nhan-dao-nhan-van-20241212113728091.htm
__
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:Các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo: Tổng đài 111
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn
+ Tiktok: Tổng đài 111
+ Youtube: Tổng đài 111
Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.