• 111
  • lang
  • lang

Những hiểu biết sai lầm chết người về đuối nước

Đuối nước là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em tại Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do bị đuối nước. Trung bình mỗi ngày ở Việt Nam, có 7 trẻ em tử vong do đuối nước gây ra.

Đuối nước xảy ra thường xuyên nhưng không phải ai cũng hiểu biết đầy đủ, chính xác về việc đuối nước xảy ra như thế nào. Điều này càng làm tăng nguy cơ bị đuối nước ở trẻ em. 

Sau đây là một số hiểu biết sai lầm về đuối nước mà bạn cần biết để giúp phòng tránh tai nạn đáng tiếc này ở con trẻ.

1. Trẻ đang bị đuối nước sẽ có thể kêu cứu và vùng vẫy: Sai

Thực tế:

- Trẻ em bị đuối nước thường không thể nêu cứu mà sẽ cố gắng ngoi lên mặt nước. Thậm chí chúng còn không thể chới với, mà chỉ đơn giản là chìm xuống.

- Việc đuối nước có thể diễn ra một cách đột ngột, thầm lặng và rất nhanh.

2. Đuối nước luôn gây tử vong: Sai

Thực tế

- Vẫn có người có thể vượt qua được đuối nước nếu được phát hiện và cứu kịp thời. 

- Tuy nhiên, hậu quả về thương tích do đuối nước có thể dẫn đến tổn thương não nghiêm trọng về lâu dài do thiếu oxy não. Từ đó trí nhớ và khả năng học tập có thể bị giảm sút

3. Phao tay có thể bảo vệ trẻ nhỏ: Sai

Thực tế:

- Phao tay - loại được bơm đầy hơi và đeo vào cánh tay - thường tạo ra cảm giác sai lầm về sự an toàn.

- Do phao tay có thể bị tuột ra khỏi cánh tay của trẻ nên cha mẹ vẫn cần giám sát trẻ liên tục dù trẻ có mang phao tay hay không. 

4. Trẻ biết bơi sẽ không bị đuối nước: Sai

Thực tế: 

- Việc biết bơi không chắc giúp trẻ tránh nguy cơ đuối nước

- Khi biết bơi, trẻ có thể thoải mái với nước. Tuy nhiên không phải trẻ nào cũng có kỹ năng và kiến thức về phòng tránh đuối nước. Vì thế cha mẹ hãy luôn đặt trẻ trong tầm mắt.

5. Cha mẹ có thể không cần giám sát trẻ khi đã có người cứu hộ quan sát hồ bơi: Sai

Thực tế:

- Người cứu hộ chủ yếu bao quát chung và sẽ không thể để ý thường xuyên đến từng trẻ cụ thể. Trẻ thậm chí có thể bị chết đuối ngay khi có rất nhiều người xung quanh. Do vậy, cha mẹ hoặc người giám sát trẻ phải luôn luôn chú ý quan sát và ở bên cạnh trẻ nhỏ .

- Việc cha mẹ chuyện tâm giám sát trẻ sẽ giúp cha mẹ phản ứng nhanh hơn nếu trẻ gặp đuối nước, dù có hay không có người cứu hộ xung quanh. Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý không sử dụng điện thoại di động khi giám sát trẻ, vì việc sử dụng điện thoại có thể làm cha mẹ sao nhãng việc quan sát trẻ.

Không chỉ cha mẹ mà chính bản thân trẻ em cũng cần nhận thức được những hiểu biết sai lầm này. Do vậy, việc giúp trẻ hiểu được những sai lầm này, cũng như giáo dục trẻ cách phòng tránh đuối nước là việc làm cần thiết của gia đình và nhà trường để góp phần phòng tránh tai nạn đuối nước cho con em mình. 

--------------------

Nguồn tham khảo: http://vienyhocungdung.vn/duoi-nuoc-nhung-hieu-lam-pho-bien-nhat-20160621222617859.htm

--------------------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy: 

- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111

- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111

- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111: 

+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte

+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616