Giáo dục giới tính và tình yêu cho con là một việc làm quan trọng và cần thiết, giúp trẻ phát triển lành mạnh về mặt cảm xúc, tâm lý cũng như thể chất. Đồng thời, giúp trẻ hiểu rõ hơn về bản thân, các mối quan hệ và biết cách bảo vệ mình.
Nên nói với con về giới tính khi nào?
Giáo dục giới tính không phải là một cuộc nói chuyện duy nhất mà là một quá trình. Cha mẹ nên giáo dục giới tính cho con từ sớm và cung cấp các kiến thức về giới tính phù hợp với độ tuổi của trẻ.
Với trẻ mầm non (3-5 tuổi), cha mẹ nên dạy cho con về các bộ phận cơ thể, gọi đúng tên các bộ phận sinh dục, giải thích sự khác biệt giữa bộ phận sinh dục nam và nữ.
Giáo dục giới tính và tình yêu cho con là một việc làm quan trọng và cần thiết.
Lưu ý, trẻ ở độ tuổi này, cha mẹ phải dùng từ ngữ đơn giản, rõ ràng và phù hợp với khả năng hiểu biết của trẻ. Cha mẹ cũng có thể sử dụng hình ảnh/ mô hình cơ thể để giải thích cho con.
Với trẻ 6-9 tuổi, cha mẹ có thể bắt đầu giới thiệu về quá trình phát triển cơ thể như sự dậy thì, quá trình sinh sản. Cha mẹ nên dạy trẻ về quyền riêng tư, cách bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm phạm, biết nói “không” khi con không muốn ai đó đụng chạm vào cơ thể mình.
Với trẻ 9-12 tuổi, cha mẹ hãy giải thích cho con về những thay đổi sẽ xảy ra trong giai đoạn dậy thì, như kinh nguyệt ở bé gái và sự phát triển bộ phận sinh dục ở bé trai.
Ở độ tuổi này, cha mẹ cũng nói với con về tình bạn, sự tôn trọng trong các mối quan hệ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh.
Với trẻ độ tuổi 13-15, cha mẹ có thể cùng con thảo luận chi tiết hơn về dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt, sự phát triển của cơ thể và các vấn đề tình yêu, tình dục an toàn, cũng như trách nhiệm và những rủi ro liên quan. Cha mẹ nên nói để con hiểu rõ các mối quan hệ yêu đương, cảm xúc, các giá trị của tình yêu, sự đồng thuận trong quan hệ tình dục.
Với trẻ trên 16 tuổi, cha mẹ có thể đặt câu hỏi và khuyến khích trẻ nói ra những suy nghĩ và mối quan tâm về tình yêu và tình dục. Cha mẹ nên khuyến khích con tư duy phản biện bằng cách cùng thảo luận về các vấn đề xã hội liên quan đến giới tính như định kiến giới, tình yêu đồng giới...
Những lưu ý khi nói với con về giới tính và tình yêu
Khi nói với con về giới tính, tình yêu hay tình dục, cha mẹ cần tạo một môi trường thoải mái để trẻ sẵn lòng chia sẻ. Cha mẹ hãy lắng nghe con và tránh phán xét hoặc chỉ trích. Điều này giúp trẻ tự tin hơn khi đặt câu hỏi cũng như nói lên suy nghĩ, cảm xúc của mình.
Cha mẹ cần dạy con về tầm quan trọng của ranh giới cá nhân và cách tôn trọng ranh giới của người khác. Trẻ cần biết cơ thể của mình là riêng tư, không ai được phép chạm vào nếu không có sự đồng ý. Trẻ cũng cần hiểu, việc tôn trọng cảm xúc, suy nghĩ và ranh giới của người khác là rất quan trọng trong bất kỳ mối quan hệ nào.
Với trẻ lớn, khoảng 13-18 tuổi, cha mẹ hãy giải thích cho con hiểu thế nào là tình yêu lành mạnh và tình dục an toàn; sự khác biệt giữa tình yêu, cảm xúc và tình dục. Cha mẹ hãy nhấn mạnh, tình yêu là sự quan tâm, chia sẻ và tôn trọng lẫn nhau, trong khi tình dục là một phần của mối quan hệ có trách nhiệm.
Cha mẹ cũng nên dạy con về các biện pháp tình dục an toàn như sử dụng bao cao su để ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục và phòng tránh mang thai ngoài ý muốn.
Trẻ cần hiểu rằng, mọi hành động tình dục phải dựa trên sự đồng thuận, tự nguyện từ cả hai phía và không ai có quyền ép buộc hoặc lợi dụng người khác.
Bên cạnh vấn đề đồng thuận, trẻ cũng cần hiểu rõ những rủi ro và hậu quả có thể xảy ra khi quan hệ tình dục không an toàn, đó là nguy cơ mang thai ngoài ý muốn, mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, tổn thương tâm lý.
Đồng thời, cha mẹ cũng cần nói cho trẻ biết các quy định pháp luật liên quan đến quan hệ tình dục ở lứa tuổi vị thành niên.
Cha mẹ dạy con biết trân trọng bản thân, biết ứng xử để không bị cuốn vào áp lực từ bạn bè hoặc xã hội. Tình yêu không thể vội, và càng không thể yêu theo phong trào, yêu cho bằng bạn bè.
Một điều quan trọng cha mẹ cần nói cho con biết, đó là cha mẹ luôn đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ khi con gặp khó khăn hoặc có thắc mắc về giới tính và tình yêu.
Cha mẹ có thể sử dụng sách, báo, video, hoặc các trang web giáo dục uy tín về giới tính và tình yêu để giáo dục con. Những tài liệu này có thể giúp cha mẹ giải thích một cách khoa học và dễ hiểu các vấn đề liên quan đến giới tính và quan hệ yêu đương.
Giáo dục giới tính là một quá trình liên tục, vì vậy cha mẹ hãy duy trì thường xuyên các cuộc trò chuyện để cập nhật kiến thức và kỹ năng sống cho con.
https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/noi-voi-con-ve-gioi-tinh-va-tinh-yeu-20241018155403883.htm
____
Để được hỗ trợ trực tiếp, hãy liên hệ với: Văn phòng tư vấn và trị liệu tâm lý trẻ em - Tổng đài 111:
- Đánh giá,trị liệu miễn phí cho trẻ bị xâm nhập tình dục, trẻ bị bạo hành, mua bán trở về, trẻ bị ảnh hưởng của bạo lực gia đình.
- Đánh giá, phát hiện, can thiệp sớm cho trẻ em Rối loạn phát triển: trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, tăng động giảm chú ý, chậm ngôn ngữ..
- Đánh giá, tham vấn, trị liệu trực tiếp và trực tuyến cho trẻ em và người lớn có nhiều phiền nhiễu tâm lý: lo âu, trầm cảm...
- Tổ chức lớp tiền tiểu học cho trẻ đặc biệt
- Tham vấn học đường
- Tư vấn hướng nghiệp
- Đào tạo kỹ năng sống
- Đào tạo kỹ năng làm cha mẹ
Địa chỉ: số 44 ngõ 84 Ngọc Khánh - Giảng Võ - Ba Đình - Hà Nội
Hotline: 111 hoặc 0243 7476 154. Ngoài giờ hành chính: 0979589390 (cô Hồng Nhung)