• 111
  • lang
  • lang

Trẻ thất tình, cha mẹ phải làm gì?

Tình yêu tuổi mới lớn ngoài những điều ngọt ngào thì luôn tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ. Trẻ em đang trong giai đoạn tâm sinh lý phát triển nên sẽ rất đau khổ khi đối mặt với sự đổ vỡ trong tình yêu.

Cha mẹ đừng xem nhẹ những cảm xúc và nỗi đau của con, vì trong giai đoạn này trẻ rất cần được quan tâm, chia sẻ và an ủi.

Trẻ rất cần quan tâm, chia sẻ và an ủi

Gần đây, chị Hồng Diệp thấy cô con gái học lớp 9 mặt mày ủ rũ lạ thường. Mọi khi, đi học về, con gái chị Diệp thường hay kể chuyện trường lớp, bạn A thế này, bạn B thế kia, cô giáo đối xử chưa thật công bằng…

Hãy để trẻ cảm thấy chúng không cô đơn và luôn được cha mẹ thấu hiểu. Ảnh minh họa

Chị Diệp thường lắng nghe và chia sẻ cùng con, vì nghĩ đó là cách con xả stress sau những giờ học căng thẳng và bày tỏ thái độ, quan điểm của mình. Nhưng nay, con không nói gì, mắt hay nhìn vào khoảng không, ăn cơm ít hơn và thích ngồi một mình trong phòng riêng.

Chị Diệp dò hỏi nhưng con không nói. Mãi sau, chị theo dõi các dòng trạng thái trên bảng tin Facebook của con thì đoán là hình như con thích một trai và bạn đó lúc đầu cũng thích con. Bây giờ, một bạn gái khác chen ngang và bạn trai kia không còn thích con nữa nên con vô cùng buồn bã.

Nắm được sơ lược tình hình, chị Diệp tìm cách tiếp cận và trò chuyện với một vài người bạn thân của con. Chị thẳng thắn bày tỏ sự lo lắng khi thấy con gái buồn và hỏi các bạn con tình hình ở trường.

Một cậu bạn của con đã kể rằng, con chị bị bạn trai “đá” nên vừa đau lòng, vừa xấu hổ với chúng bạn. Khi biết nguyên nhân con gái buồn là vì thất tình, chị Diệp đã dành nhiều thời gian hơn để an ủi, vỗ về và chia sẻ với con.

Đã có không ít trẻ em học hành sa sút khi tình yêu đang đẹp bỗng chia ly. Có trẻ vì quá đau buồn và chán nản đã quyết định bỏ học, trả thù người yêu; hoặc tiêu cực nhất là tự tử. Đó là những câu chuyện hoàn toàn có thật vẫn xảy ra xung quanh chúng ta.

Nếu các bậc cha mẹ không khéo léo, tinh tế trong vấn đề tình cảm của trẻ; phớt lờ và xem nhẹ những cảm xúc cũng như nỗi đau của trẻ khi chia tay người yêu (dù là trẻ chủ động hay bị động), thì có thể khiến trẻ có những suy nghĩ tiêu cực, hậu quả khó lường.

Cùng con vượt qua nỗi buồn trong chuyện tình cảm

Đồng cảm và thấu hiểu tâm trạng của con, các bậc cha mẹ hãy tự biến mình thành một chuyên gia tâm lý để động viên, an ủi kịp thời cũng như chia sẻ với con cách vượt qua nỗi buồn trong tình yêu.

Dưới đây là một số gợi ý, các bậc cha mẹ có thể tham khảo:

Lắng nghe và tôn trọng cảm xúc của con: Trẻ thất tình thường cảm thấy buồn, tổn thương và trở nên nhạy cảm và cha mẹ không nên xem nhẹ cảm xúc này của con. Lắng nghe con một cách chân thành, tránh đưa ra lời phán xét là việc cha mẹ nên làm. Điều quan trọng là để trẻ cảm thấy rằng chúng không cô đơn vì luôn được cha mẹ thấu hiểu.

Đừng ép buộc con phải chia sẻ ngay: Có những trẻ không muốn hoặc chưa sẵn sàng nói về cảm xúc của mình. Cha mẹ không nên ép buộc mà hãy để trẻ tự quyết định khi nào muốn tâm sự. Sự kiên nhẫn của cha mẹ cùng với một không gian an toàn sẽ giúp trẻ tự tin hơn trong việc chia sẻ về chuyện tình cảm của mình.

Khuyến khích trẻ thể hiện cảm xúc: Nếu trẻ muốn khóc, hãy để trẻ khóc. Việc thể hiện cảm xúc một cách tự nhiên giúp giảm bớt căng thẳng và làm dịu nỗi đau. Cha mẹ có thể khuyến khích con viết nhật ký, vẽ tranh hoặc tham gia các hoạt động sáng tạo để giải tỏa cảm xúc.

Không nên chê bai người yêu cũ của con: Trẻ có thể vẫn còn tình cảm nên việc cha mẹ chê bai người yêu cũ có thể khiến con cảm thấy bị tổn thương hơn. Thay vào đó, cha mẹ hãy tập trung vào việc hỗ trợ con vượt qua nỗi buồn thay vì phân tích quá nhiều về mối quan hệ đã qua.

Chia sẻ kinh nghiệm cá nhân: Nếu phù hợp, cha mẹ có thể chia sẻ những trải nghiệm cá nhân về việc mình đã vượt qua nỗi đau trong tình yêu như thế nào. Điều này có thể giúp trẻ cảm thấy mình không phải là người duy nhất gặp phải chuyện buồn trong tình yêu và từ đó sẽ dễ dàng hơn trong việc đối diện với cảm xúc.

Động viên con tham gia các hoạt động tích cực: Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể thao, nghệ thuật hoặc gặp gỡ bạn bè. Những hoạt động này giúp trẻ cải thiện tinh thần, giảm bớt suy nghĩ tiêu cực.

Tránh đưa ra lời khuyên quá lý trí: Trẻ em không phải là người lớn nên cha mẹ không áp đặt hoặc đòi hỏi trẻ phải thật lý trí khi yêu đương. Trong lúc đang tổn thương, có thể trẻ không muốn nghe những lời khuyên mang tính lý trí như: “Còn nhiều cơ hội phía trước”, “Con sẽ sớm quên đi thôi”. Thay vào đó, cha mẹ hãy hỗ trợ con bằng cách an ủi và chia sẻ cảm xúc.

Theo dõi sức khỏe tinh thần của trẻ: Sau một thời gian mà trẻ vẫn không thể vượt qua nỗi buồn và có các dấu hiệu của trầm cảm hoặc rối loạn lo âu, cha mẹ nên tìm đến sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý.

https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/tre-that-tinh-cha-me-phai-lam-gi-20241018164558723.htm

____

thư Để được hỗ trợ trực tiếp, hãy liên hệ với: Văn phòng tư vấn và trị liệu tâm lý trẻ em - Tổng đài 111:

- Đánh giá,trị liệu miễn phí cho trẻ bị xâm nhập tình dục, trẻ bị bạo hành, mua bán trở về, trẻ bị ảnh hưởng của bạo lực gia đình.

- Đánh giá, phát hiện, can thiệp sớm cho trẻ em Rối loạn phát triển: trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, tăng động giảm chú ý, chậm ngôn ngữ..

- Đánh giá, tham vấn, trị liệu trực tiếp và trực tuyến cho trẻ em và người lớn có nhiều phiền nhiễu tâm lý: lo âu, trầm cảm...

- Tổ chức lớp tiền tiểu học cho trẻ đặc biệt

- Tham vấn học đường

- Tư vấn hướng nghiệp

- Đào tạo kỹ năng sống

- Đào tạo kỹ năng làm cha mẹ

Địa chỉ: số 44 ngõ 84 Ngọc Khánh - Giảng Võ - Ba Đình - Hà Nội

Hotline: 111 hoặc 0243 7476 154. Ngoài giờ hành chính: 0979589390 (cô Hồng Nhung)