• 111
  • lang
  • lang

Thầy cô phải làm điểm tựa cho trẻ mồ côi trong đại dịch

Chăm sóc cho trẻ em mồ côi sau đại dịch không thể ngày một, ngày hai theo kiểu phong trào hay đợt cao điểm. Đó là công việc mà mỗi thầy cô, mỗi nhà trường và cả xã hội phải làm từ tâm và lâu dài.

Khẩn trương hỗ trợ vật chất cho học sinh mồ côi trong đại dịch

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, trường THCS Phong Phú, huyện Bình Chánh TP. Hồ Chí Minh có 3 học sinh mồ côi cha mẹ. Trong đó có 2 học sinh có mất cha mẹ do ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19. Nhà trường đã cử cán bộ giáo viên đến thăm hỏi động viên và có những hỗ trợ vật chất kịp thời ngay sau đó.

Thầy hiệu trưởng Võ Thanh Nhàn cho biết, trường hợp học sinh mẹ mất do Covid-19, nhà trường đã vận động tài trợ em 3 triệu đồng mỗi năm, bảo lãnh đến hết năm 18 tuổi.

 

Hỗ trợ trẻ em mồ côi trong đại dịch Covid-19 tại TP. Thủ Đức, TP.HCM.

Với trường hợp em học sinh mất cha do Covid-19, trường vận động tặng nhu yếu phẩm thiết yếu, hỗ trợ SGK, vở, bảo hiểm y tế.

Còn một học sinh mồ côi do mẹ bỏ đi, cha mất vì ung thư trong giai đoạn giãn cách xã hội nhà trường đã vận động được 42 triệu đồng để hỗ trợ nhà trọ, chi phí sinh hoạt cho em.

Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 TP.HCM có 5 học sinh mồ côi cha mẹ do đại dịch. Hiện vẫn còn 42 học sinh là F0 đang ở trong khu cách ly tập trung. Thầy Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng cho biết, bên cạnh miễn 100% học phí cho các em trong suốt thời gian học tập tại trường THPT Nguyễn Du, nhà trường còn kêu gọi thành lập quỹ “Chia sẻ yêu thương” để hỗ trợ tối đa học sinh bị ảnh hưởng.

Nhà trường cũng thành lập quỹ học bổng 6-1, có nghĩa là 6 phụ huynh chăm sóc 1 em học sinh. “Nhà trường có 5 học sinh mồ côi thì cần ít nhất 30 phụ huynh tham gia. Theo đó, mỗi phụ huynh tặng một em 500 nghìn đồng/tháng, với 6 phụ huynh thì  mỗi tháng các em sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng tiền ăn.

Tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình, huyện Bình Chánh cũng có 3 học sinh mồ côi cha mẹ do đại dịch. Trong đó có em ở quê còn chưa biết mẹ mình đã mất.

Theo cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngọc Linh, nhà trường đã kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ mỗi em 2.5 triệu đồng, tặng SGK và phương tiện học tập. Nhà trường cũng dự định xây dựng quỹ học bổng hỗ trợ các em cho đến khi ra trường.

Chăm lo hỗ trợ về mặt tinh thần

Mặc dù khẩn trương động viên, chăm sóc về mặt vật chất cho những học sinh mất người thân trong đại dịch nhưng làm thế nào để ổn định tâm lý, vực dậy tinh thần các em mới là điều khiến cô Nguyễn Thị Ngọc Linh trăn trở.

Nhà trường giúp một phần nào đó ổn định tâm lý học sinh mồ côi trong đại dịch.

“Các bạn học sinh mất người thân trong dịch Covid-19 buồn lắm. Lúc đầu nhiều  gia đình gọi điện báo các em không muốn đi học trong học kỳ I. Nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thường xuyên liên hệ, động viên các em cố gắng vượt qua, sau một tuần các em đi học trở lại”.

Mới đây, Trường THCS Nguyễn Thái Bình đã tổ chức diễn đàn trực tuyến “Lắng nghe tiếng nói học sinh” – nơi học sinh bộc bạch hết những nỗi niềm bức xúc, trong đó ghi nhận cả tiếng nói của những học sinh mồ côi cha mẹ trong đợt dịch vừa rồi.

Cô Linh tiết lộ, sắp tới nhà trường cũng sẽ phối hợp với Trung tâm giáo dục kỹ năng sống, cùng với các chuyên gia tâm lý học đường trợ giúp các em ổn định tâm lý sau dịch. Trong các hoạt động hỗ trợ tâm lý học sinh, giáo viên chủ nhiệm giữ vai trò quan trọng nhất.

Giáo viên chủ nhiệm là người thường xuyên liên lạc với học sinh, phụ huynh, có thể quan sát kỹ các em, từ hành động cử chỉ, lời nói. Có những em trầm tính, không bộc lộ ra ngoài nên cần quan sát thái độ, nét mặt biểu hiện, nếu thấy bất ổn giáo viên chủ nhiệm phải phối hợp với những giáo viên có kinh nghiệm, giáo viên tâm lý kết hợp với phụ huynh động viên các em, tạo cho các em môi trường hòa hợp với các bạn.

“Đồng thời, khuyến khích các em tham gia hoạt động đội nhóm, có những em không dễ chia sẻ nhưng các em lại thể thể hiện bằng cách khác như viết, làm thơ, văn, quay clip chia sẻ thì tâm lý sẽ dần tốt hơn”, cô Linh chia sẻ.

Mặc dù vậy, theo cô hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thái Bình, dù triển khai ở góc độ nào thì cũng chỉ mang tính chất tạm thời.

“Nếu lâu dài cần có đánh giá định kỳ, ví dụ 1 tháng sẽ trao đổi với các em đó để xem giai đoạn diễn biến tâm lý của các em như thế nào. Từ tháng 9 đến tháng 10, từ tháng 10 đến tháng 11… sau cả học kỳ mới rút được tổng kết học sinh còn những khó khăn gì về tâm lý, tình cảm, nhu cầu, cảm xúc, năng lực, mới có thể giúp đỡ toàn diện cho học sinh”.

Cô Linh cho rằng, nhà trường chỉ giúp đỡ học sinh được một phần nào đó, quan trọng là sự đồng hành của phụ huynh, của người thân.

“Sợ nhất là tới đây khi TP.HCM mở cửa trở lại, cha hoặc mẹ các em sau 4 tháng không có công ăn việc làm sẽ phải bươn chải kinh tế, ít có điều kiện quan tâm con. Trong khi các em ở nhà học trực tuyến không chia sẻ được nỗi niềm với ai. Nhà trường nhờ giáo viên chủ nhiệm thường xuyên gọi điện, quan tâm các em”.

Hiện trường THPT Nguyễn Du đưa môn kỹ năng sống vào từng tiết học, đưa vào cả tiết học trực tuyến để giúp học sinh giải tỏa tâm lý, giảm năng lượng tiêu cực, để các em an tâm. “Đối với các em mất người thân trong đại dịch, các em sẽ thấy rằng, mồ côi cha thì còn mẹ, mồ côi mẹ thì còn cha, mồ côi cả  cha mẹ thì còn ông bà, còn thầy cô, còn quê hương...”

Thầy cô phải như cây Tùng, cây Bách chở che, yêu thương…

Theo ông Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, để không tăng thêm những áp lực cho học trò sau đại dịch thì phải thay đổi cách đánh giá học sinh.

Theo đó, cách đánh giá sẽ không phải là ban phát điểm số, nhưng cũng không đặt nặng áp lực điểm số, tạo tâm lý bức bối cho học sinh. Thay vào đó là nâng đỡ, chia sẻ để các em thấy mỗi giờ học không phải là sự sợ hãi, điểm số giờ đây không còn quan trọng. Bởi, sau 4 tháng “chống chọi” với đại dịch người lớn còn stress huống hồ là học sinh. 

Chủ trương thành lập những tổ tư vấn tâm lý cho học sinh sau đại dịch, đặc biệt là những học sinh mồ côi cha mẹ là điều đáng hoan nghênh, song phải đi vào thực chất chứ không phải hô hào, hình thức. Muốn vậy, theo thầy Phú, cần lựa chọn đội ngũ làm công tác này thật cẩn thận.

Những người làm công tác này phải có sự trải nghiệm trong cuộc sống, những nhà giáo, thầy cô được học sinh yêu quý, nắm bắt được tâm lý để chia sẻ với học sinh chứ không phải bất cứ ai cũng có thể làm được.

“Nhiều năm trước đây ở TP.HCM mỗi trường thành lập một phòng tâm lý học đường nhưng không hiệu quả vì người làm công tác này đòi hỏi nhiều yếu tố, thậm chí cả ngoại hình.

Những người làm công tác này phải có trải nghiệm trong môi trường sư phạm, hiểu tâm lý học trò để đặt vấn đề tư vấn hay tham vấn. Đồng thời, phải am tường kiến thức tổng hòa trong cuộc sống, phải có lòng bao dung, độ lượng bởi những em khiếm khuyết tình yêu, tình thương trong cuộc sống. Cần tấm lòng bao dung để đủ là như cây Tùng, cây Bách chở che cho các em. Lãnh đạo nhà trường cũng phải mở lòng và trực tiếp tham gia”, thầy Phú mong muốn./.

Phương Lan/VOV2

-----

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616