• 111
  • lang
  • lang

Việt Nam cần đổi mới tư duy, cách làm, thực hiện chính sách cho trẻ em

Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung cho rằng, bước vào thời kỳ đổi mới, Việt Nam cần đổi mới tư duy, cách làm, thực hiện chính sách cho trẻ em.

Nhằm tạo nền tảng vững chắc cho học sinh dân tộc thiểu số khi bước vào lớp 1, HĐND tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành Nghị quyết số 02/2025/NQ-HĐND, hỗ trợ kinh phí việc dạy - học tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1.

Theo đó, mỗi trẻ em dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh sẽ được hỗ trợ 350.000 đồng để mua tài liệu và đồ dùng học tập phục vụ việc học tiếng Việt. Giáo viên trực tiếp giảng dạy được hưởng hỗ trợ theo số tiết thực tế, với mức trung bình khoảng 5,9 triệu đồng/lớp.

Chương trình giảng dạy sẽ được tổ chức trong hè, kéo dài không quá 1 tháng và giới hạn tối đa 80 tiết. Năm học 2024 - 2025, chương trình được triển khai tại các huyện Võ Nhai, Định Hóa, Đồng Hỷ với quy mô 150 lớp, phục vụ 2.622 trẻ, toàn bộ giáo viên tham gia đều trên tinh thần tự nguyện.

Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung cùng lãnh đạo các vụ, đơn vị trực thuộc Bộ Dân tộc và Tôn giáo chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn công tác của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF). Ảnh: Bộ Dân tộc và Tôn giáo

Chính phủ mới đây vừa ban hành Nghị định số 66/2025/NĐ-CP quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách.

Đáng chú ý, học sinh bán trú, học viên bán trú được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở, hỗ trợ gạo. Về tiền ăn, mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ mỗi tháng là 936.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

Về tiền nhà ở, mỗi học sinh bán trú, học viên bán trú phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí chỗ ở trong trường hoặc học sinh lớp 1, lớp 2, học sinh khuyết tật có nhu cầu tự túc chỗ ở gần trường để người thân chăm sóc thì mỗi tháng được hỗ trợ 360.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

Ngoài ra, mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

Riêng đối với học sinh bán trú lớp 1 là người dân tộc thiểu số có học tiếng Việt trước khi vào học chương trình lớp 1 thì được hưởng thêm 1 tháng các chính sách quy định trên.

Đang có nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngày 22.4, tại buổi tiếp xã giao bà Silvia Danailov - Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung thông tin, bước vào thời kỳ đổi mới, Việt Nam cần đổi mới tư duy, cách làm về thực hiện chính sách cho trẻ em.

Do đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, UNICEF cùng với Việt Nam thay đổi chiến lược cách tiếp cận đối với trẻ em. Thay vì tiếp cận toàn bộ cộng đồng trẻ em Việt Nam thì UNICEF lựa chọn một đối tượng là trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Một vấn đề được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ tại buổi làm việc là tình trạng không biết tiếng mẹ đẻ của một bộ phận trẻ em người dân tộc thiểu số. Do đó, các trường học phải lưu tâm và đưa vấn đề này vào để giảng dạy.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, về tổng thể trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ thay đổi một cách căn bản về 2 lĩnh vực giáo dục và y tế, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Về giáo dục, cùng với miễn toàn bộ học phí thì thời gian tới sẽ xây dựng toàn bộ hệ thống trường nội trú, với phương châm làm từ biên giới, miền núi xuống đô thị, chứ không đi từ đô thị làm lên.

Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung cũng mong muốn, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) sẽ có một khảo sát chính thức đánh giá toàn diện về trẻ em dân tộc thiểu số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để làm căn cứ xác lập những cơ chế, chính sách trong thời gian tới.

https://laodong.vn/dttg/tin-tuc/viet-nam-can-doi-moi-tu-duy-cach-lam-thuc-hien-chinh-sach-cho-tre-em-1496443.html

__

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:

- Gọi điện đến Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111

- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:Các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo: Tổng đài 111
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn
+ Tiktok: Tổng đài 111 
+ Youtube: Tổng đài 111

Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.