Khoảng 16% trẻ em trong độ tuổi từ 11 - 15 từng bị bắt nạt trên mạng ít nhất 1 lần, cao hơn con số 13% ghi nhận 4 năm trước đó.
Theo báo cáo của WHO, khoảng 16% trẻ em trong độ tuổi từ 11 - 15 từng bị bắt nạt trực tuyến ít nhất 1 lần - Ảnh minh họa: GETTY IMAGES
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 27-3 công bố báo cáo phản ánh tình trạng trẻ em bị bắt nạt trên mạng, trong bối cảnh Internet ngày càng phát triển, dễ tiếp cận hơn.
Các nhà nghiên cứu phối hợp văn phòng WHO ở châu Âu khảo sát hơn 279.000 trẻ em các độ tuổi 11, 13 và 15 tại 44 quốc gia và khu vực ở châu Âu, Trung Á và Canada.
Kết quả ghi nhận trong năm 2022, khoảng 16% trẻ em trong độ tuổi 11 - 15 từng bị bắt nạt trên mạng ít nhất 1 lần, cao hơn tỉ lệ 13% ghi nhận 4 năm trước đó.
Tỉ lệ bắt nạt trực tuyến cao nhất xảy ra với trẻ em trai ở Bulgaria, Litva, Moldova và Ba Lan, trong khi Tây Ban Nha là quốc gia có tỉ lệ thấp nhất.
Ở hầu hết các quốc gia và khu vực được khảo sát, bắt nạt trực tuyến đỉnh điểm ở độ tuổi 11 đối với trẻ em trai và 13 đối với trẻ em gái.
Giám đốc WHO châu Âu, ông Hans Kluge, nhấn mạnh báo cáo này là hồi chuông cảnh tỉnh đòi hỏi phải giải quyết nạn bắt nạt và bạo lực mọi lúc, mọi nơi.
"Với việc trẻ em dành tới 6 giờ mỗi ngày để lướt mạng, ngay cả những thay đổi nhỏ về tỉ lệ bắt nạt và bạo lực cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và hạnh phúc của hàng nghìn trẻ em", ông Kluge nói.
WHO lưu ý các hình thức bạo lực đồng trang lứa trên không gian mạng trở nên đặc biệt đáng quan ngại kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, và những người trẻ tuổi ngày càng chìm trong thế giới ảo khi các lệnh phong tỏa được áp dụng.
Báo cáo cũng cho biết 1/8 thanh thiếu niên được khảo sát thừa nhận bắt nạt trực tuyến người khác, tăng 3% so với năm 2018.
Trong khi đó, số lượng thanh thiếu niên tham gia đánh nhau vẫn ở mức 10 - 14% đối với trẻ em trai và 6% đối với trẻ em gái.
Báo cáo của WHO nhận định tình trạng kinh tế - xã hội của cha mẹ không ảnh hưởng đáng kể đến hành vi của trẻ em. Tuy nhiên, Canada là một ngoại lệ, nơi những thanh thiếu niên thiệt thòi về kinh tế dễ bị bắt nạt hơn.
Báo cáo kết luận cần đầu tư nhiều hơn vào việc giám sát các hình thức bạo lực đồng trang lứa ở trẻ em cũng như ưu tiên giáo dục trẻ em, gia đình và trường học về các hình thức bắt nạt trực tuyến và hệ lụy, siết chặt quản lý các nền tảng truyền thông xã hội để hạn chế tiếp xúc với bắt nạt trực tuyến.
Nguồn tham khảo:
https://tuoitre.vn/who-bao-dong-tre-em-bi-bat-nat-tren-mang-2024032711375839.htm
____
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn
Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.