• 111
  • lang
  • lang

5 quy tắc khích lệ, khen ngợi trẻ.

KHEN TRẺ THẾ NÀO CHO ĐÚNG CÁCH?

Bất cứ đứa trẻ nào cũng vui sướng khi được khen tặng, khích lệ. Lời khen đem lại cảm giác hạnh phúc cho con trẻ. Việc khen ngợi giúp con cảm thấy con có giá trị, được tôn trọng, được yêu thương. Quan trọng hơn, việc khen con khi con làm việc tốt sẽ giúp củng cố những hành vi đó, tạo thành thói quen tốt cho con. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng biết cách khen con và khen trong trường hợp nào là hợp lý.

Khen việc có thật và cụ thể

Thường nhiều người lớn không để ý đến những hành vi tích cực, chỉ chú ý đến việc bắt lỗi, chú ý tới hành vi tiêu cực của trẻ. Điều quan trọng là phải tìm ra được các hành vi đúng đắn, tích cực của trẻ để củng cố. Ví dụ, nếu một trẻ khoảng 6, 7 tuổi viết chữ xấu thì khích lệ bằng cách tìm ra một điểm gì đó trong bài viết để củng cố. Điểm này phải có thật và cụ thể. Ví dụ, bạn có thể nói một cách quan tâm và dịu dàng: “Chữ X này con viết ngay ngắn và thẳng hàng đấy” hoặc “Con đã kết hợp các câu rất hay”. Trẻ sẽ ngắm nghía chữ hoặc câu mà bạn vừa khen ngợi, sẽ vui và tin tưởng, cảm thấy phấn khởi và đã rõ phải viết thế nào cho đẹp vì đã có chữ mẫu. Điều quan trọng là thái độ và giọng nói của người lớn phải chuyển tải được điều tích cực đó.

Khen ngợi hành vi cụ thể và gọi tên một phẩm chất

Việc khen ngợi, khích lệ phải nhằm vào một việc cụ thể, từ đó thể hiện một phẩm chất tốt cụ thể của trẻ. Ví dụ: “Mẹ thích cách con giúp em gái. Con vừa thể hiện sự đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau”; “Em rất tốt khi đã không đánh lại bạn khi bạn trêu chọc và chế nhạo em. Em rất mạnh mẽ và bình tĩnh”.

Trẻ sẽ nhớ những phẩm chất mà bạn nói là chúng đã có hay đã thể hiện. Điều này rất quan trọng vì nó có thể giúp trẻ thay đổi suy nghĩ, quan điểm của mình từ tiêu cực (như định đánh trả khi bạn trêu chọc) sang tích cực (tự trọng, bình tĩnh, kiên nhẫn).

Chân thành

Bạn sẽ cảm thấy thế nào có nếu có người khen ngợi, động viên nhưng bạn cảm thấy người này không thật lòng, không thực sự có ý đó (còn quen gọi là “khen đểu”).

Trong khen ngợi và khích lệ, chính tình cảm và sự yêu thương, chân thành của bạn mới là quan trọng nhất. Điều này làm trẻ cảm thấy mình được tôn trọng, công việc và những cố gắng, nỗ lực của chính trẻ được đánh giá đúng mực. Ai cũng muốn được yêu quý, được công nhận. Ánh mắt, lời nói thể hiện sự tôn trọng, chân thành là những dấu hiệu vô giá của sự thành thật, một điều dễ dàng nhận thấy đối với con người ở mọi lứa tuổi.

Luôn để lại cảm xúc tích cực

Đôi khi ta cố gắng khen hoặc khích lệ nhưng lại kết thúc bằng một câu làm người được khen thấy khó chịu. Ví dụ: “Hôm nay con đã quét nhà. Con ngoan lắm! Giá như hôm nào con cũng chăm chỉ, chịu khó như hôm nay thì có phải hay hơn không?” Lời nhận xét ban đầu rất tốt, nhưng khi nó chuyển sang giọng chỉ trích, hoặc nó nhắc lại hành vi tiêu cực trong quá khứ, thì những cảm xúc tích cực sẽ mất đi nhanh chóng.

Ngay lập tức

Một hành vi tích cực mới xuất hiện cần nhận được phản hồi tức thì. Một số trẻ không chịu làm bài khi không có ai đó ngồi bên cạnh. Do vậy các em học yếu dần. Hãy hình thành một kiểu hành vi mới bằng cách cùng giúp các em phấn đấu. Ví dụ: “Con biết cách làm rồi đấy. Tốt lắm, khi làm xong 3 bài này thì đưa cho mẹ xem nhé!.” Khi trẻ hoàn thành bài, hãy chấm điểm luôn và khen ngợi nếu trẻ làm đúng. Khi bạn tiếp tục củng cố, hãy tăng số bài tập mà trẻ phải làm trước khi bạn quay trở lại. Trong một thời gian ngắn, trẻ sẽ làm bài một cách độc lập hơn và học khá hơn. Việc khích lệ thường xuyên rất cần để thiết lập một hành vi mới, nhưng đến khi hành vi này trở thành thói quen thì có thể giảm dần sự khích lệ.

---

Hãy liên hệ với tổng đài 111 hoặc số điện thoại 02437476154 nếu bạn đang mong muốn được hỗ trợ trực tiếp.

Văn phòng tư vấn trị liệu tâm lý trẻ em - số 44/84 Ngọc Khánh - Ba Đình - Hà Nội:
- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý miễn phí cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc bị ảnh hưởng của bạo lực dẫn đến sang chấn tâm lý.

- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý trực tiếp cho những trẻ em bị rối nhiễu như trẻ tự kỉ, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ bị trầm cảm, trẻ chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển ngôn ngữ.

- Tham vấn tâm lý làm bạn cùng con ở tuổi dậy thì

- Tham vấn tâm lý stress, trầm cảm, lo âu.