Chậm nói là một vấn đề rất phổ biến trong các khó khăn mà các nhóm trẻ rối loạn phát triển thường gặp, vì thế việc tập nói cho trẻ là một điều cần phải được đặt ra, và các hoạt động này có thể áp dụng một cách hiệu quả tại gia đình, mà người giúp trẻ không ai khác hơn là bố mẹ chứ không chỉ là dành cho các giáo viên hay chuyên viên.
Chúng ta nên biết, một trong những yếu tố khiến trẻ Chậm nói là khả năng nghe kém – trẻ nghe kém ở đây không phải do sức nghe kém mà là khả năng chọn lọc, phân biệt tần số âm thanh bị rối loạn cùng với sự tập trung của trẻ kém. Trẻ có thể nghe những âm thanh khá nhỏ phát ra từ chiếc TV hay máy tính là những thứ mà trẻ quan tâm và có tần số phù hợp hơn so với những lời nói, sự kêu gọi hay mệnh lệnh của bố mẹ. Vì thế tập cho trẻ biết NGHE, cũng là một yếu tố quan trọng cần lưu ý trong tiến trình tập cho trẻ NÓI.
Thế nào là sự chú ý :
Chú ý là sự quan tâm có chủ đích vào một hoạt động nào đó và khi trẻ tập trung sự chú ý vào một điều gì, thì những gì xảy ra xung quanh ngay cả với tiếng kêu của bố mẹ, trẻ cũng sẽ không còn để ý hay có phản ứng đáp lại. Nói cách khác, trẻ chỉ chú ý đến những điều tạo ra hứng thú, vì thế muốn tạo sự lắng nghe cho trẻ thì phụ huynh cần tác động vào những lúc trẻ có hứng thú, hay ngược lại là tạo sự hứng thú cho trẻ thông qua các công cụ hay hoạt động để có sự thuận lợi gây được sự chú ý.
Điều dễ làm trẻ chú ý lắng nghe và cũng hứng thú hoạt động, đó là các trò chơi
Điều dễ làm trẻ chú ý lắng nghe và cũng hứng thú hoạt động, đó là các trò chơi – Chính hoạt động chơi của trẻ, là tiền đề tạo sự hứng thú, xây dựng niềm vui để thúc đầy các hoạt động tập trung vào lời nói và hành động của bố mẹ qua việc chơi cùng con. Dĩ nhiên đây là các trò chơi “có định hướng” với các biện pháp tác động và mục đích rõ ràng.
Thế nào là một trò chơi có định hướng
Trò chơi là một hoạt động với nhiều mục đích khác nhau – đơn giản nhất là chơi để ..mà chơi, chơi chỉ để đỡ ..buồn, đỡ mệt mỏi, căng thẳng. Nhưng có những trò chơi hay hoạt động chơi sẽ giúp cho sự phát triển vận động (Vận động của cơ thể và vận động của các ngón tay) . Có trò chơi nhằm phát triển các giác quan (Nhìn – nghe – sờ chạm – nếm, ngửi) Phát triển cảm xúc (Tạo sự hồi hộp hay tiếng cười ) Tất cả các trò chơi này đều có ích và tạo đà cho các trò chơi định hướng vào sự tập trung chú ý .
Chúng ta có thể cùng chơi với trẻ các trò chơi có sự chờ đợi và nhắc nhở. Hãy nhắc nhở trẻ trước khi nói một điều gì với trẻ, “Này, con lắng nghe nhé ….” Trước khi bắt đầu hãy cho trẻ biết : “Bây giờ thì ..chuẩn bị …”. Nào sẵn sàng chưa ? một hai ba, bắt đầu…. Các trò chơi với bóng, các món đồ chơi chuyển động … và các các nhạc cụ cho trẻ có thể nhảy theo âm điệu được phát ra … Chúng phải lắng nghe và cần biết ngồi xuống khi nhạc tắt. Chơi các trò chơi bắt đầu – kết thúc sử dụng các nhạc cụ như một dấu hiệu âm thanh. Chúng ta hãy cho trẻ khám phá các nhạc cụ như : bộ gõ, bộ thổi và bộ rung. Bố mẹ có thể gõ theo nhịp điệu vào một cái trống. Trẻ phải nghe và bắt chước nhịp điệu đó hoặc gõ những tiếng thật to trên trống. Trẻ lắng nghe và di chuyển minh họa âm thanh đó (ví dụ: Tiếng gõ mạnh và chậm : bước chân của con trâu đang di chuyển - Gõ nhẹ và nhanh vào trống như bước chạy của con chuột ... Trẻ nghe và di chuyển minh họa âm thanh đó. ( có thể cùng làm mẫu để trẻ bắt chước )
Chúng ta có thế lấy ra một bộ tranh ảnh các con vật cho trẻ xem – mỗi ảnh của con vật là phát ra tiếng kêu của nó. Trẻ nghe và khi bạn phát ra tiếng kêu của một con vật nào đó, bé phải ghép âm thanh đó với bức tranh con vật tương ứng.
Khi biết bé đã có thể nói, chúng ta có thể dùng cách cố tình gọi sai tên của một số vật quen thuộc . Ví dụ : Cho con cái “kén” nè – Trẻ nghe và nói lại cho đúng “ Chén”. Nếu trẻ đã nói được các câu ngắn – có thể dùng các trò chơi sắm vai (Đây là loại trò chơi dành cho trẻ có trí tuệ trên 5 tuổi ) .
Với các bé quan tâm đến tiếng động, có hứng thú với đồ chơi phát ra âm thanh ta có thể giấu một thứ đồ chơi âm nhạc hoạt động bằng dây cót và cho trẻ tìm thứ đồ chơi đó bằng cách lắng nghe âm thanh phát ra từ đâu.
Việc thu hút sự chú ý của trẻ rất đa đạng và phải có thời gian mới phát huy được tác động, vì thế chúng ta cần hết sức kiên nhẫn, và thực hiện một cách vui vẻ, thoải mái.
Tập cho trẻ biết NGHE và cho trẻ chơi các TRÒ CHƠI CÓ ĐỊNH HƯỚNG là hai yếu tố quan trọng cần lưu ý trong tiến trình tập cho trẻ NÓI.
----
Nguồn tham khảo: Lê Khanh
----
Hãy liên hệ với tổng đài 111 hoặc số điện thoại 02437476154 nếu bạn đang mong muốn được hỗ trợ trực tiếp.
Văn phòng tư vấn trị liệu tâm lý trẻ em - số 44/84 Ngọc Khánh - Ba Đình - Hà Nội:
- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý miễn phí cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc bị ảnh hưởng của bạo lực dẫn đến sang chấn tâm lý.
- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý trực tiếp cho những trẻ em bị rối nhiễu như trẻ tự kỉ, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ bị trầm cảm, trẻ chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển ngôn ngữ.
- Tham vấn tâm lý làm bạn cùng con ở tuổi dậy thì
- Tham vấn tâm lý stress, trầm cảm, lo âu