• 111
  • lang
  • lang

CÁC KHIẾM KHUYẾT CỐT LÕI CỦA RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỈ

          Với bản chất là rối loạn trong sự phát triển của não bộ, mỗi trẻ em rối loạn phổ tự kỉ có các biểu hiện lâm sàng khác nhau, không có hai trẻ em rối loạn phổ tự kỉ giống nhau. Tuy nhiên các khiếm khuyết chung của trẻ em rối loạn phổ tự kỉ thể hiện ở 2 yếu tố sau: (1) khiếm khuyết về tương tác và giao tiếp xã hội; (2) các kiểu hành vi, sở thích bất thường, định hình lặp lại và vấn đề rối loạn cảm giác.

Các khiếm khuyết về tương tác và giao tiếp xã hội:

            Khiếm khuyết trong các hành vi ngôn ngữ phi ngôn ngữ được sử dụng cho tương tác xã hội, từ mức độ nhẹ đến nặng, ví dụ, từ sự kết hợp kém giao tiếp bằng lời và không lời, bất thường trong tương tác bằng ánh mắt và ngôn ngữ cơ thể hoặc suy yếu trong sự hiểu biết và sử dụng các cử chỉ cho đến thiếu toàn bộ thể hiện khuôn mặt và giao tiếp phi ngôn ngữ. Suy yếu trong việc phát  triển từ bắt đầu, duy trì, và sự hiểu biết các mối quan hệ, từ mức độ nhẹ đến nặng, vi dụ, từ những khó khăn điều chỉnh hành vi cho phù hợp với khung cảnh xã hội khác nhau; những khó khăn trong việc cùng chơi tưởng tượng hoặc trong việc kết bạn; thiếu quan tâm đến các bạn đồng trang lứa.

            Trẻ em rối loạn phổ tự kỉ thường gặp một số bất thường về giọng nói không được tự nhiên. Hầu hết trẻ em rối loạn phổ tự kỉ có giọng nói khác thường hoặc đều đều giống robot không có ngữ điệu lên xuống. Một số trẻ khác có giọng cao một cách bất thường. Giọng điệu của trẻ em rối loạn phổ tự kỉ thường không có sư thay đổi trầm bổng, lên xuống phù hợp với ngữ cảnh giao tiếp. Nếu có sự thay đổi thì nó lại lên xuống như hát một cách nhịp nhàng chứ không nhấn mạnh vào chữ cần nhấn mạnh.

            Một số nhỏ trẻ em rối loạn phổ tự kỉ thường không nói nhưng trong một khoảng thời gian nào đó trẻ nói được vài chữ rất chính xác, đúng với ngữ cảnh. Mới nghe có vẻ lạ lùng nhưng trẻ không biết nói tự nhiên nói một hai câu rất lưu loát, đầy đủ rồi lại thôi tức là ngưng không nói nữa. Theo một nghiên cứu ở Mỹ và cuộc thăm dò ở Úc, số trẻ em rối loạn phổ tự kỉ không nói trọn đời thay đổi từ 25 đến 40%, những trẻ này cũng thường bị chậm phát triển ở mức trung bình hay nặng. Trong số này, có trẻ hiểu được lời nói khá đầy đủ, nhưng trẻ nào bị kèm theo khuyết tật trí tuệ nặng thì có thể không hiểu được lời nói.

            Các “dấu hiệu cờ đỏ” dưới đây được xem là đặc biệt quan trọng để nhận thấy nguy cơ rối loạn phổ tự kỉ ở trẻ nhỏ, đây cũng chính là những khiếm khuyết về tương tác và giao tiếp xã hội sớm xuất hiện:

- Ít hoặc không đáp ứng qua lại về xã hội

- Ít hoặc không chơi các trò qua lại, đóng vai. Ít hoặc không đòi hỏi sự chú ý

- Ít hoặc không bắt chước hành động của người khác

- Ít hoặc không hứng thú với trẻ cùng tuổi

- Ít hoặc không chơi đúng cách, chơi tưởng tượng, chơi đóng vai

Theo thời gian, những khiếm khuyết về tương tác và giao tiếp xã hội ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn rối loạn phổ tự kỉ sẽ chuyển biến theo một cách khác, nhưng dù có chuyển biến theo cách nào thì đây vẫn là khiếm khuyết cốt lõi nhất ở rối loạn phổ tự kỉ.

Các kiểu hành vi, sở thích bất thường, định hình lặp lại và rối loạn cảm giác ở trẻ em rối loạn phổ tự kỉ.

            Trẻ em rối loạn phổ tự kỉ thường có các hoạt động vận động cơ, sử dụng đồ vật, hoặc lời nói rập khuôn hoặc lặp lại (ví dụ: xếp đồ chơi thành hàng hoặc lật đồ vật, lời nói lặp lại, lạ lùng..)

            Nhấn mạnh sự giống nhau, tuân thủ cứng nhắc lịch trình hoạt động, hoặc các mẫu nghi thức hành vi bằng lời hoặc không lời (ví dụ: rất khó chịu với những thay đổi nhỏ, khó khăn trong những sự chuyển tiếp, chào hỏi kiểu nghi thức, cần phải cùng một lịch trình hoặc ăn cùng thức ăn hàng ngày).

            Những sở thích bị giới hạn cao, cắm chốt và có tính bất thường về cường độ hoặc mức độ tập trung (ví dụ: sự gắn bó mạnh mẽ hoặc bận tâm tới các đồ vật một cách không bình thường).

            Phản ứng quá mức hoặc dưới mức bình thường đến cảm giác đầu vào hoặc quan tâm đặc biêt trong khía cạnh cảm giác của môi trường (ví dụ: thờ ơ với đau đớn/nhiệt độ, phản ứng khó chịu với âm thanh hoặc bề mặt nào đó, đam mê với ánh sáng hoặc sự chuyển động một cạch quá mức..)

            Rối loạn xử lý thông tin về cảm giác (Sensory Processing Disorder –SPD) là một triệu chứng phổ biến ở trẻ em rối loạn phổ tự kỉ. Phản ứng lại với cảm giác bị kích thích là tình trạng phổ biến, nổi bật hơn ở trẻ em và người lớn có rối loạn phổ tự kỉ , dù vậy, không có bằng chứng nào rõ rệt để phân biệt triệu chứng về cảm giác ở người rối loạn phổ tự kỉ so với các rối loạn phát triển khác. Sự khác biệt lớn là dưới ngưỡng cân bằng/under-responsive (ví dụ: bước đi đụng vào mọi vật) so với quá nhạy/over-responsive (ví dụ chuyển động theo nhị điệu). Các phản ứng có thể là phổ biến hơn với trẻ em, trẻ em rối loạn phổ tự kỉ đã bị suy kém cảm nhận từ xúc giác, trong khi người lớn có rối loạn phổ tự kỉ lại không mắc phải.

            Một số người cho rằng, rối loạn về cảm giác có thể được chẩn đoán nhầm là ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý), hoặc có thể cả hai cùng tồn tại; giống như vấn đề cảm xúc – gây hấn và lời nói – liên quan đến các rối loạn như mất ngôn ngữ. Những tranh luận cho rằng, hệ thống xử lý thông tin về cảm giác là nền tảng, giống như rễ của cây và đưa đến vô số các vấn đề về hành vi và các triệu chứng: tăng động và chậm nói.

           Ví dụ: một trẻ với một hệ thống tiền đình dưới mức đáp ứng (under-responsive), có thể cần nhập thêm thông tin vào “giác quan chuyển động (motion sensor)” để đạt đến trạng thái tỉnh táo yên tĩnh; để bù đắp thêm vào, trẻ em rối loạn phổ tự kỉ có thể luôn động đậy hoặc chạy loanh quanh, thể hiện ra bề ngoài như là hiếu động, trong khi thực tế trẻ bị một chứng rối loạn liên quan đến cảm giác.

-----

Nguồn: Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỉ tại Việt Nam – Quỹ bảo trợ Trẻ em Việt Nam

-----

Hãy liên hệ với tổng đài 111 hoặc số điện thoại 02437476154 nếu bạn đang mong muốn được hỗ trợ trực tiếp.

Văn phòng tư vấn trị liệu tâm lý trẻ em - số 44/84 Ngọc Khánh - Ba Đình - Hà Nội:
- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý miễn phí cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc bị ảnh hưởng của bạo lực dẫn đến sang chấn tâm lý.

- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý trực tiếp cho những trẻ em bị rối nhiễu như trẻ tự kỉ, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ bị trầm cảm, trẻ chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển ngôn ngữ.

- Tham vấn tâm lý làm bạn cùng con ở tuổi dậy thì

- Tham vấn tâm lý stress, trầm cảm, lo âu