• 111
  • lang
  • lang

Cách từ chối khi trẻ vòi vĩnh.

Việc từ chối để trẻ hiểu và dừng làm một hành động hoặc không đòi mua một món đồ chơi là một việc khó khăn với 1 số cha mẹ. Tôi từng gặp một vài tình huống như: Người mẹ cố tránh đi qua khu vực đồ chơi, nhưng đứa trẻ dường như biết điều mẹ định làm, luôn khóc nhè nhè và kéo mẹ qua khu hàng đồ chơi. Một số tình huống khác là sự từ chối phủ đầu ngay khi vào siêu thị, người mẹ lớn tiếng cảnh báo đứa con của mình: "Không mua đồ chơi gì hết nghe chưa!".

Tại sao trẻ lại vòi vĩnh bạn? 

Việc vòi vĩnh ở trẻ là dạng tâm lý học được, không phải là tâm lý phát triển tự nhiên. Khi trẻ quá dễ dàng được nhận thì trẻ học được cách đòi để được nhận, hơn là hiểu vì sao trẻ được nhận. Nếu bạn để ý, trẻ chỉ vòi vĩnh với những ai đã từng hoặc đang "nuông chiều" trẻ. Có nhiều cách nuông chiều mà chúng ta có thể thấy: dạng thứ nhất là nuông chiều hết sức dễ dàng, một dạng khác là dù la mắng dù ngăn cấm lớn tiếng nhưng 1 lúc sau rất dễ chấp nhận và kết thúc luôn là "trẻ có điều trẻ muốn". Dù là dạng nuông chiều nào, trẻ vẫn nhận được câu trả lời "Okay, mình đã có". Đối với dạng thứ 2, chắc chắn bạn sẽ không "lì" bằng mức "vòi vĩnh" của trẻ, bạn vẫn là người thua cuộc vì trẻ đã nắm bắt tâm lý của bạn rồi. Trẻ sẽ khóc và ăn vạ dữ dội hơn vì trẻ biết đó là cách duy nhất thắng bạn.

Giúp trẻ bớt vòi vĩnh bạn.

Câu trả lời cho bài toán vòi vĩnh của trẻ nằm ở cách chúng ta từ chối trẻ và dạy trẻ bài học "làm sao cần/để được cho". Đây là 1 số điều nên làm:

1. Hãy cân bằng giữa từ chối và cho phép. Đừng luôn từ chối tất cả yêu cầu của trẻ, mà hãy lắng nghe và cho phép trẻ nếu điều đó thực sự trẻ có thể làm hoặc bạn có thể kiểm soát. Nhiều cha mẹ thường mắc sai lầm vô ý hay cố ý luôn luôn từ chối không cho phép trẻ làm bất cứ điều gì. Trẻ sẽ nhận ra rằng: Cha mẹ luôn từ chối mọi thứ, chỉ khi phản kháng mới thực sự giải phóng. Nếu bạn giải thích vì sao từ chối hoặc đồng ý đòi hỏi của trẻ nhưng dưới 1 điều kiện nào đó chắc chắn trẻ sẽ luôn tôn trọng sự từ chối của bạn và sẽ đưa ra những đòi hỏi sau khi trẻ đã suy nghĩ kỹ. Làm tốt điều này, bạn cũng đã dạy trẻ 1 phần bài học "Tại sao cần được cho phép", trẻ sẽ học cách suy nghĩ điều gì cần được cho phép khi đòi hỏi.

2. Tìm cách nói từ chối bằng 1 lời đề nghị/lời giải thích ngắn gọn, hơn là chỉ nói "Không được". Tôi từng gặp 1 người mẹ nói với đứa trẻ đang vòi vĩnh đôi giầy màu xanh có hình siêu nhân mới ra. Mẹ đáp lại sự vòi vĩnh bằng câu nói lớn tiếng: "Không được mua giầy nữa!" Điều này chỉ gửi 1 thông tin kém tích cực và không có thông điệp gì để trẻ nhận ra "tại sao không mua đôi giầy đó". Dĩ nhiên, phản ứng đáp trả của cậu bé là "Khóc đòi bằng được". Nếu người mẹ gửi thông điệp có thông tin hơn thì kết quả sẽ khác, vì dụ " Con nghĩ đôi giày này có giống đôi giày màu đỏ con có ở nhà không?, chúng ta có thể tìm 1 loại khác có mẫu siêu nhân mới ở dịp khác nhé con!". Thông tin truyền đến trẻ rất rõ ràng và có lí do tại sao mà mẹ từ chối. Hãy cho trẻ thông tin, hơn là những lời từ chối suông. Làm tốt điều này sẽ giúp trẻ hiểu bài học "làm sao để được cho phép".

3. Hãy dừng các hành động mắng chửi hoặc đe dọa trẻ vì điều này không mang 1 thông điệp nào giúp trẻ ngừng vòi vĩnh. Chỉ là 1 "ngòi nổ" giúp trẻ nhận ra cần làm dữ hơn, càng quyết tâm hơn để có được điều trẻ mong muốn. Chắc chắn rằng bạn không muốn trẻ học điều này đúng không?

4. Đừng quá dễ dãi cho trẻ quá nhiều. Bài học cần thiết mà mọi đứa trẻ ngày nay cần học không phải là "chỉ nhận", mà chính là sự hiểu "tại sao được nhận". Khi hiểu bài học này, trẻ sẽ học được bài học quan trọng thứ 2 là "cho đi như thế nào?". Nếu "chỉ nhận" thì trẻ rất khó để học bài học thứ 2.

5. Tâm thái của cha mẹ khi trẻ vòi vĩnh cũng quyết định sự thành công. Bạn được khuyên là giữ đúng quyết định của mình đến phút cuối cùng. Việc bạn đồng ý cho trẻ mua món đồ ngay từ đầu vẫn tốt hơn là sau 1 thời gian giằng co và la mắng, cuối cùng bạn vẫn chấp nhận mua món đồ đó. Do đó, quay lại ý số 1, luôn đánh giá cần hay không cần để đưa ra quyết định cho phép hoặc từ chối và giữ đúng quyết định này. Bạn sẽ truyền sự cương quyết cho trẻ và trẻ sẽ sớm nhận ra rằng: vòi vĩnh không phải là cách hữu hiệu để đạt được điều mình muốn.

Notes:

Fritzley, V. H., Lindsay, R. C. L., & Lee, K. (2013). Young Children’s Response Tendencies Toward Yes-No Questions Concerning Actions. Child Development, 84(2), 711–725

---

Hãy liên hệ với tổng đài 111 hoặc số điện thoại 02437476154 nếu bạn đang mong muốn được hỗ trợ trực tiếp.

Văn phòng tư vấn trị liệu tâm lý trẻ em - số 44/84 Ngọc Khánh - Ba Đình - Hà Nội:

- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý miễn phí cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc bị ảnh hưởng của bạo lực dẫn đến sang chấn tâm lý.

- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý trực tiếp cho những trẻ em bị rối nhiễu như trẻ tự kỉ, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ bị trầm cảm, trẻ chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển ngôn ngữ.

- Tham vấn tâm lý làm bạn cùng con ở tuổi dậy thì

- Tham vấn tâm lý stress, trầm cảm, lo âu. 

- Địa chỉ Fanpage: https://www.facebook.com/tuvantrilieutamlytreem