• 111
  • lang
  • lang

Cần làm gì để kích thích sự phát triển cho trẻ 7 - 9 tháng tuổi?

Mỗi em bé đều rất đặc biệt và rất khác nhau, vì vậy mỗi bé sẽ có tốc độ phát triển của riêng mình. Bố mẹ không nên quá lo lắng khi con “nhanh” hay “chậm” hơn những mốc phát triển được đánh giá. Đánh giá để hiểu con, chính là chìa khóa tốt nhất để nuôi dạy con thành công.Trẻ 7-9 tháng tuổi, chúng ta cần làm gì để kích thích sự phát triển cho trẻ?

Xây dựng lòng tin cho bé. Bé cần được biết người thân luôn ở bên

Cung cấp môi trường kích thích, an toàn để bé khám phá và chơi

Trao cảm giác yêu thương bằng sự chăm sóc, vỗ về, ôm hôn,những lời yêu thương của người mẹ

Nói chuyện khi chơi hoặc chăm sóc bé

Đáp ứng khi bé vui cũng như buồn

Bạn có thể giúp bé cảm nhận những chuyển động khác nhau bằng cách rất đơn giản: đặt bé nằm trên một tấm chăn hoặc khăn tắm, sau đó giữ bốn góc rồi bạn đung đưa nhẹ nhàng theo những hướng khác nhau.

Hoặc bạn bế bé trên tay, và bạn có thể đu đưa bé, quay tròn hoặc di chuyển lên và xuống. Lúc đầu bạn hãy dựa bé vào sát cơ thể mình và di chuyển nhẹ nhàng, để bé thấy an toàn.

Đến độ tuổi này, con của bạn đã thành thạo kỹ năng cầm đồ chơi. Nó thường đập, lắc, làm rơi, và ném đồ chơi. - Khi có thể nắm những đồ vật nhỏ trong tay, bé sẽ thích khám phá hơn nữa bằng cách cho chúng vào miệng, nơi có rất nhiều đầu mút thần kinh cho phép bé cảm nhận được đồ vật rất gần.

Vì thế, bạn hãy đảm bảo đồ chơi của bé phải sạch, an toàn, không quá nhỏ để bé có thể nuốt được, không có khả năng gây thương tích cho bé. Điều này tốt hơn việc lúc nào bạn cũng phải canh để bé không cho đồ chơi vào miệng.

Đó có thể là những đồ chơi hoặc những vật dụng trong nhà như thìa uống trà, hộp, ly hoặc ca nhựa, khăn, chai nhỏ và quần áo với những chất liệu khác nhau. Chúng cần được làm sạch thường xuyên trước khi để trẻ chơi. Tuy nhiên, bạn cũng không nên lơ là với trẻ, nhất là khi bé đang cầm một đồ vật trong tay.

Một thử thách lớn nhất trong những tháng này là học cách tự lấy đồ ăn. Bé có thể nắm đồ đầy bàn tay nhưng có đưa được vào miệng hay không là chuyện khác. Cuối giai đoạn này, bé có thể tự cho đồ ăn vào miệng, có thể nắm chặt đồ chơi bằng ngón cái và ngón trỏ.

Giúp bé vận động bàn tay: Để bé “quậy phá lung tung” trong một góc nhỏ, trên giường... Đó là cách tốt nhất giúp bé luyện tập những ngón tay bé nhỏ. Để bé tự làm mọi thứ. Nhờ vậy nó thực tập được nhiều kỹ năng và làm tăng tính tự lập. Khi bé đang chơi, phải đảm bảo cho lưng và vai bé tựa chắc để nó không ngã và dễ tập trung vào trò chơi vận động những ngón tay.

Bạn cũng có thể bắt đầu cho bé làm quen với sách vở. Bạn có thể chọn những quyển sách bằng chất dẻo để bé có thể giữ mà không xé rách hoặc nuốt giấy.

Bạn hãy mở các trang sách trước mặt bé và nói về những bức tranh. Bé sẽ ngay lập tức tạo những âm thanh như muốn thảo luận với bạn về những hình vẽ đó.

Lúc bé thức, bạn có thể đặt bé nằm ngửa hoặc úp bụng một thời gian. Bạn hãy đặt trẻ trên những chất vải khác nhau, đặt đồ chơi xung quanh bé, khuyến khích bé với lấy chúng, lật người và tập bò. Đồ chơi phải khác nhau về màu sắc, hình dáng, kích cỡ và chất liệu và một vài món có thể tạo nên âm thanh khi di chuyển, cuộn tròn hoặc ấn mạnh vào.

Bạn hãy khuyến khích bé di chuyển bằng cách để đồ vật gần bàn chân của bé, điều này sẽ tạo âm thanh khi bé chạm vào nó. Bé thường thích đá khi nằm trong bồn tắm. Khi bé được giữ để đứng trên đôi chân của mình trong tiếng kêu phát ra, điều này sẽ làm bé hứng thú, thích đi hơn giúp tăng cường sự cứng cáp của đôi chân.

----

Nguồn tham khảo: Sưu tầm.

---- 

Hãy liên hệ với tổng đài 111 hoặc số điện thoại 02437476154 nếu bạn đang mong muốn được hỗ trợ trực tiếp.

Văn phòng tư vấn trị liệu tâm lý trẻ em - số 44/84 Ngọc Khánh - Ba Đình - Hà Nội:
- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý miễn phí cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc bị ảnh hưởng của bạo lực dẫn đến sang chấn tâm lý.

- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý trực tiếp cho những trẻ em bị rối nhiễu như trẻ tự kỉ, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ bị trầm cảm, trẻ chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển ngôn ngữ.

- Tham vấn tâm lý làm bạn cùng con ở tuổi dậy thì

- Tham vấn tâm lý stress, trầm cảm, lo âu.