• 111
  • lang
  • lang

Cha mẹ cần có sự gắn bó và đồng cảm để trở thành người nuôi dạy trẻ tích cực.

Làm cha mẹ là hành trình mang yêu thương và sự chăm sóc cho con bạn. Làm cha mẹ không hề dễ dàng, đôi khi có thể khiến bạn nản lòng. Bên cạnh niềm vui từ việc nuôi dạy con cái, cha mẹ cũng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Những khoảng thời gian khó khăn có thể mang đến cho bạn cơ hội học hỏi và trưởng thành trong vai trò làm cha mẹ. Để trở thành người nuôi dạy trẻ tích cực, trước hết cha mẹ cần có sự gắn bó với con cái, thấu hiểu và đồng cảm với trẻ.

Sự gắn bó là sự kết nối tình cảm sâu sắc mà trẻ hình thành với cha mẹ và người chăm sóc.  Sự gắn bó của trẻ với cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ sẽ chi phối cách thức trẻ suy nghĩ, học hỏi, cảm nhận và cư xử. Sự gắn bó hình thành từ trước khi bé chào đời và phát triển theo thời gian khi bạn đáp ứng những nhu cầu của trẻ với sự ấm áp, yêu thương và tin cậy. Sự gắn bó không phải là nuông chiều làm hư trẻ. Thể hiện cho trẻ biết tình yêu thương và sự quan tâm của bạn dành cho trẻ là bước đầu tiên để dẫn dắt hành vi của trẻ.

 

Đồng cảm có nghĩa là hiểu được cảm giác của người khác. Trẻ nhỏ có thể thấy được rằng những người khác có cảm xúc nhưng không phải lúc nào trẻ cũng cảm nhận và hiểu được cảm xúc đó là gì. Trẻ em học về cách người khác cảm nhận bằng cách nói về những cảm xúc đó. Trẻ sẽ học để hiểu và tôn trọng cảm xúc của người khác khi chính cảm xúc của trẻ được tôn trọng và thấu hiểu. Bạn có thể giúp trẻ phát triển sự đồng cảm của trẻ với người khác. 

Trẻ em học về cách người khác cảm nhận bằng cách nói về những cảm xúc đó. Trẻ sẽ học để hiểu và tôn trọng cảm xúc của người khác khi chính cảm xúc của trẻ được tôn trọng và thấu hiểu. Cố gắng hiểu những gì trẻ đang cảm nhận. Khi bạn cố gắng để hiểu những cảm xúc của trẻ là bạn đã thể hiện cho trẻ biết rằng những cảm xúc này có ý nghĩa. Giúp trẻ chuyển cảm xúc thành lời nói. Nói chuyện thường xuyên với trẻ về những cảm xúc thường gặp như vui vẻ, phấn khích, buồn phiền, lo sợ, tức giận hay ghen tị. Gọi tên những cảm xúc của trẻ, ví dụ “Mẹ thấy rằng con đang buồn”. Điều này sẽ giúp trẻ học cách tự gọi tên cảm xúc của mình. Chấp nhận những cảm xúc của trẻ, ngay cả khi trẻ buồn phiền hay giận dữ. Hãy cho trẻ biết rằng người khác cũng có những cảm xúc tương tự như vậy.

Không có cảm xúc nào “tốt” hay “xấu”. Hãy là tấm gương tốt cho trẻ.

Hãy là tấm gương tốt cho trẻ. Hãy cho trẻ thấy cách bạn đối mặt với sự sợ hãi, chán nản và tức giận theo hướng tích cực

  • Hít thở sâu
  • Đi ra chỗ khác để bình tĩnh lại
  • Tạm dừng khi gặp phải tình huống gây bức xúc
  • Giúp trẻ hiểu cảm xúc của người khác. Bạn có thể lấy ví dụ về những cảm xúc của mọi người trong sách hoặc trên ti vi. Nói về ý nghĩa của những biểu hiện trên gương mặt. Ví dụ: Cậu bé kia trông có vui vẻ không? Có phải bà đang buồn không?

Để trở thành người nuôi dạy trẻ tích cực, bạn hãy học cách:

  • Biết chăm sóc bản thân mình
  • Biết được những gì trẻ có thể làm được ở từng lứa tuổi
  • Tạo ra các thói quen, các giới hạn và quy định trong gia đình để mọi thành viên đều thực hiện theo
  • Khuyến khích trẻ làm những việc mà trẻ có thể làm ở lứa tuổi của mình
  • Nói "không" với trẻ khi cần và phải nhất quán. Hãy rõ ràng và thẳng thắn khi giải quyết các vấn đề
  • Giúp trẻ hiểu được các cảm xúc
  • Bạn có thể dạy trẻ về cách cư xử bằng việc nói cho trẻ biết những gì bạn mong đợi ở trẻ.

Bạn cũng cần phải nói chuyện với trẻ và lắng nghe cặn kẽ khi trẻ nói chuyện với bạn. Khi bạn nói chuyện với trẻ và lắng nghe trẻ, bạn đang giúp trẻ học cách cư xử. Trong vai trò người nuôi dạy trẻ, những gì bạn nói và làm đều có ý nghĩa. Khi bạn hành xử một cách tích cực, lịch sự, tử tế và kiên định với người khác, trẻ sẽ dễ dàng học được cách cư xử bằng cách noi gương bạn.

-

---

Nguồn tham khảo: "Chương trình làm cha mẹ “KHÔNG AI HOÀN HẢO” của UNICEF Việt Nam.

---

Hãy liên hệ với tổng đài 111 hoặc số điện thoại 02437476154 nếu bạn đang mong muốn được hỗ trợ trực tiếp.

Văn phòng tư vấn trị liệu tâm lý trẻ em - số 44/84 Ngọc Khánh - Ba Đình - Hà Nội:
- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý miễn phí cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc bị ảnh hưởng của bạo lực dẫn đến sang chấn tâm lý.

- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý trực tiếp cho những trẻ em bị rối nhiễu như trẻ tự kỉ, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ bị trầm cảm, trẻ chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển ngôn ngữ.

- Tham vấn tâm lý làm bạn cùng con ở tuổi dậy thì

- Tham vấn tâm lý stress, trầm cảm, lo âu.