Theo thống kê của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, trên thế giới, vào năm 2022, cứ 100 trẻ nhỏ lại có một em mắc chứng tự kỷ. Rối loạn phổ tự kỷ được chẩn đoán ở nam giới nhiều gấp bốn lần so với nữ giới.
Một số nghiên cứu cho thấy, các triệu chứng được đưa vào đánh giá có thể áp dụng nhiều hơn cho cách cư xử của nam giới (so với nữ giới) hoặc có thể đúng là nam giới thực sự mắc chứng tự kỷ nhiều hơn nữ giới.
Tiến sĩ Jessica Myszak, nhà tâm lý học của Mỹ chuyên đánh giá chứng tự kỷ ở trẻ em, cho biết: "Hệ thống chẩn đoán hiện tại của chúng tôi có xu hướng nhận biết và chẩn đoán các bé trai nhiều hơn.
Rõ ràng, có sự khác biệt về giới tính khi xác định và chẩn đoán bệnh tự kỷ, nhưng cũng có thể có sự khác biệt về tuổi tác. Theo một phân tích tổng hợp từ năm 2012 đến năm 2019, độ tuổi trung bình mà trẻ em được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ là 60,48 tháng, tương đương khoảng 5 tuổi rưỡi.
Đối với bé gái, điều này có thể mất nhiều thời gian hơn. Một nghiên cứu gần đây báo cáo rằng bé gái được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ muộn hơn bé trai khoảng một năm rưỡi".
Các triệu chứng của bệnh tự kỷ
Theo Tiến sĩ Doreen Granpeesheh, người sáng lập Trung tâm Tự kỷ và những rối loạn liên quan tại Mỹ cho biết bệnh tự kỷ có các triệu chứng rất khác nhau. Bà nói: "Bệnh tự kỷ có rất nhiều triệu chứng và không phải đứa trẻ nào cũng biểu hiện tất cả các triệu chứng. Trong số đó nổi bật là sự chậm trễ trong giao tiếp và hành vi xã hội cũng như các hành vi lặp đi lặp lại theo khuôn mẫu.
Những khác biệt trong giao tiếp xã hội bao gồm những khó khăn về tương hỗ cảm xúc - xã hội, giao tiếp phi ngôn ngữ và kỹ năng quan hệ".
Tiến sĩ Abigail Angulo, bác sĩ của Bệnh viện Nhi Colorado, Mỹ nói thêm: "Tự kỷ có thể khó phát hiện ở trẻ sơ sinh. Các dấu hiệu thông thường không rõ ràng. Tuy nhiên, việc thiếu "nụ cười xã giao" ở trẻ 6 tháng tuổi có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ nhỏ".
Tiến sĩ Angulo nói: "Các dấu hiệu của chứng rối loạn phổ tự kỷ xuất hiện sớm. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta bỏ qua những dấu hiệu ban đầu này vì chúng có thể chỉ là những khác biệt nhỏ".
Các dấu hiệu của trẻ mắc tự kỷ có thể bao gồm:
* Dấu hiệu ở trẻ tự kỷ 3 tháng tuổi:
- Trẻ không phản ứng với những tiếng ồn lớn.
- Không theo dõi các vật thể chuyển động bằng mắt.
- Không nắm và giữ đồ vật.
- Không cười với mọi người.
- Không nói ê a.
- Không chú ý đến những gương mặt mới.
* Dấu hiệu ở trẻ tự kỷ 7 tháng tuổi:
- Trẻ không quay đầu lại để xác định nơi phát ra âm thanh.
- Không thể hiện tình cảm.
- Không cười hoặc không kêu la.
- Không với lấy đồ vật.
- Không cố gắng thu hút sự chú ý thông qua các hành động.
- Không có hứng thú với những trò chơi như ú òa.
* Dấu hiệu ở trẻ tự kỷ 12 tháng tuổi:
- Trẻ không bò.
- Không nói những từ đơn lẻ.
- Không sử dụng các cử chỉ như vẫy tay hoặc lắc đầu.
- Không chỉ vào đồ vật hoặc hình ảnh.
- Không thể đứng vững ngay cả khi được hỗ trợ.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, khoảng 1% dân số thế giới mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ - nghĩa là hơn 75.000.000 người.
Vào năm 2022, cứ 100 trẻ em thì có một trẻ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ.
Tại Hoa Kỳ, cứ 44 trẻ em thì có một em được xác định mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ.
Tỷ lệ người mắc chứng tự kỷ đã tăng 178% kể từ năm 2000.
Quốc gia có tỷ lệ chẩn đoán tự kỷ cao nhất thế giới là Qatar và quốc gia có tỷ lệ thấp nhất là Pháp.
Các triệu chứng của tự kỷ ở bé trai và bé gái có khác nhau không?
Tiến sĩ Granpeesheh giải thích rằng, nhìn chung, bé trai và bé gái mắc chứng tự kỷ có biểu hiện tương tự nhau. Tuy nhiên, một số đặc điểm của chứng tự kỷ có thể được xã hội chấp nhận dễ dàng hơn đối với các bé gái.
"Ví dụ, tính trầm lặng, nhút nhát, thụ động hoặc cô lập có thể được coi là chấp nhận được ở một bé gái và sẽ không gây nhiều lo ngại như khi những hành vi này xuất hiện ở bé trai. Kết quả là các bé gái mắc chứng tự kỷ có thể được chẩn đoán muộn hơn", Tiến sĩ Granpeesheh chia sẻ.
Stephanie Churma, một phụ nữ mắc chứng tự kỷ được chẩn đoán muộn, đồng thời là giám đốc điều hành của The Good Love Company, giải thích rằng một số bé gái thậm chí có thể biết che dấu bản thân để hòa nhập với bạn bè.
Các bé gái thường biết che đậy hoặc che giấu các đặc điểm tự kỷ trong khi bé trai ít có khả năng kiểm soát hành vi của mình hoặc có thể ít có xu hướng phải "hòa nhập".
Mặc dù một số bé gái mắc chứng tự kỷ có nhiều hành vi đáng chú ý hơn nhưng nghiên cứu cho thấy các bé gái tự kỷ khá trầm tính và dè dặt nên những người khác không chú ý đến các em quá nhiều.
Khi các bé gái được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, có thể là do chúng có vấn đề về hành vi hoặc chậm phát triển. Những bé gái có chỉ số IQ cao, không có vấn đề về hành vi, thường không nổi bật và do đó, không dễ được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ.
Những bé gái có chỉ số IQ trung bình hoặc trên trung bình sử dụng mức độ thông minh của mình để quan sát và đánh giá môi trường xung quanh, sau đó chúng phát triển các cơ chế đối phó để tồn tại trong cuộc sống hàng ngày.
Các em cũng học cách bắt chước người khác ngay cả khi điều đó không phù hợp với bản chất thật. Vì thế các bé gái thường có thể vượt qua môi trường trường học và các tình huống khác, thậm chí trải qua nhiều năm thơ ấu mà không khiến người lớn nghi ngờ rằng chúng đã mắc bệnh tự kỷ.
Một số bé gái mắc chứng tự kỷ và rất nhút nhát hoặc hướng nội, điều này thường được chấp nhận dễ dàng hơn so với bé trai. Khi các bé gái không hòa đồng cũng không quá bị để ý. Các bé trai thường được cho là hướng ngoại, năng nổ và hòa đồng hơn.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng bé gái mắc chứng tự kỷ thể hiện ít hành vi hạn chế và lặp đi lặp lại so với bé trai. Hành vi của bé trai thường được người lớn chú ý hơn. Ví dụ, các bé trai có thể vẫy tay quá mức hoặc phát ra âm thanh lớn hoặc có một sở thích đặc biệt khiến các em nói rất nhiều.
Các bé gái có thể học cách giả vờ nói chuyện nhỏ khi chúng cảm thấy rằng hành vi này được yêu thích hoặc chúng mỉm cười và gật đầu để thể hiện rằng chúng đang lắng nghe, ngay cả khi điều đó khiến các em không thoải mái.
Mỗi đứa trẻ mắc chứng tự kỷ đều khác biệt. Điều quan trọng là cha mẹ phải hỗ trợ, chăm sóc con đúng cách và chấp nhận con người thật của mỗi đứa trẻ đồng thời khuyến khích con trưởng thành và phát triển tốt nhất có thể trong khả năng. Làm cha mẹ, yêu thương con mình vì con người thật của chúng là điều quan trọng.
Lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ nuôi dạy con mắc chứng tự kỷ
Luôn nhất quán và đúng tiến độ
Trẻ mắc chứng tự kỷ thích làm theo thói quen. Vì thế, bố mẹ cần đảm bảo rằng con nhận được sự hướng dẫn và tương tác nhất quán để con có thể thực hành những gì chúng học được mỗi ngày.
Điều này có thể giúp trẻ học các kỹ năng và hành vi mới dễ dàng hơn, đồng thời giúp con áp dụng kiến thức đã học vào các tình huống khác nhau. Bố mẹ cũng nên nói chuyện với giáo viên và bác sĩ của con. Tất cả cùng cố gắng áp dụng một phương pháp tương tác nhất quán để tăng hiệu quả trong giáo dục trẻ tự kỷ.
Tìm kiếm các hoạt động vui chơi thuần túy không mang tính giáo dục hay chữa bệnh có thể giúp con cởi mở và kết nối với cha mẹ hơn.
Cho con thời gian
Bạn có thể sẽ thử rất nhiều phương pháp điều trị và cách tiếp cận khác nhau khi nuôi dạy trẻ tự kỷ. Hãy luôn lạc quan và cố gắng đừng nản lòng nếu con không đáp ứng tốt với một phương pháp cụ thể.
Đừng quên cho con ra ngoài làm một vài việc vặt mỗi ngày. Ví dụ, để con đi đổ rác, mua hàng tạp hóa... Điều đó có thể giúp chúng làm quen với thế giới xung quanh.
Kết nối với các bậc cha mẹ khác
Cho dù là kết nối trực tiếp hay qua mạng xã hội thì sự hỗ trợ từ các gia đình có con tự kỷ, các chuyên gia và bạn bè có thể giúp ích cho bạn rất nhiều. Nhóm bạn này sẽ tư vấn kỹ hơn cho bạn trong cách nuôi dạy con cái.
Các nhóm hỗ trợ có thể là một cách hay để chia sẻ lời khuyên và thông tin. Gặp gỡ, trò chuyện với các bậc cha mẹ đang giải quyết những thách thức tương tự sẽ đem lại nhiều lợi ích cho bạn.
Gặp chuyên gia tư vấn hôn nhân gia đình cũng có thể hữu ích. Hãy suy nghĩ về những cách có thể làm cho cuộc sống của bạn dễ dàng hơn.
Những điều bố mẹ nên tránh
Can thiệp quá nhiều vào cuộc đời con
Can thiệp quá nhiều vào cuộc đời con, kiểm soát và bảo vệ con thái quá... không phải là điều lý tưởng đối với bất kỳ đứa trẻ nào vì nó khiến mọi đứa trẻ mất đi tính độc lập và quyền tự quyết.
Cha mẹ của trẻ tự kỷ có xu hướng nuôi dạy con kiểu này vì họ lo lắng rằng con mình mắc chứng tự kỷ sẽ gặp phải những vấn đề mà chúng không thể giải quyết được. Tất nhiên, điều đó hoàn toàn có thể xảy ra nhưng rõ ràng là bạn không thể lo cho con cả đời. Trẻ tự kỷ phải học thông qua hướng dẫn trực tiếp và bằng cách thực hành.
Khi bạn bắt tay vào làm mọi công việc của con, bạn đang khiến con không hiểu những gì là cần thiết. Con không được trải nghiệm thử thách, tận hưởng cảm giác phấn khích khi thành công hoặc rút ra bài học sau khi thất bại.
Nuôi dạy con cạnh tranh
Nhiều phụ huynh luôn thích con mình là đứa bé nổi bật nhất, biết nói sớm, học nhiều lớp nhất, điểm tốt nhất... Khi bạn có con mắc chứng tự kỷ, bạn khó tránh khỏi cảm giác là con mình thua kém so với chúng bạn nhưng nếu bạn nuôi dạy con kiểu cạnh tranh, bạn càng dễ có suy nghĩ là con mình "không bằng ai".
Hậu quả là bạn có cảm giác rằng cả bạn và đứa con bạn đang nuôi dạy đều không đủ tốt. Tác động của những cảm xúc như vậy đối với trẻ tự kỷ có thể không rõ ràng, nhưng chúng là có thật.
Để con tự do
Nhiều bậc cha mẹ tin rằng con của họ nên được phép theo đuổi đam mê, sở thích riêng mà không cần tới sự can thiệp của cha mẹ. Điều đó có tác dụng tốt đối với một số trẻ có khả năng tự định hướng, năng động và mong muốn tương tác với người khác. Tuy nhiên, đó không phải là một lựa chọn tốt cho trẻ tự kỷ.
Trong hầu hết các trường hợp, trẻ tự kỷ cần sự giúp đỡ của bố mẹ để chủ động học cách giao tiếp, trò chuyện, đặt câu hỏi, khám phá thế giới.
Nếu không có người khác giúp trẻ tự kỷ xây dựng những kỹ năng quan trọng này, chúng có thể ngày càng trở nên thu mình, chỉ tập trung vào bản thân, ít có khả năng hoặc mong muốn tham gia vào thế giới rộng lớn hơn. Chúng cũng sẽ có ít cơ hội để phát huy thế mạnh và tiềm năng của chính mình.
Nuôi dạy con theo chủ nghĩa hoàn hảo
Trẻ tự kỷ có thể có nhiều ưu điểm nhưng cũng có thể gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Kỹ năng nói của chúng không tốt vì vậy, có thể điểm đọc của chúng không cao. Chúng cũng có thể gặp khó khăn trong việc học thể dục... Vì thế, bố mẹ không nên nuôi dạy trẻ tự kỷ theo chủ nghĩa hoàn hảo.
Nếu đặt những kỳ vọng quá cao lên con của bạn thì có thể cả bạn và con đều sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng.
Ép con vào mọi lớp học
Con vừa thức giấc vào buổi sáng, bạn lập tức đưa con tới lớp học với năm giờ trị liệu hành vi, một giờ trị liệu về ngôn ngữ và vật lý trị liệu, hai giờ trị liệu bằng trò chơi... Khi con đi ngủ, bạn truy cập Internet để tìm một lớp học, chương trình, hoạt động khác để thêm vào lịch trình của con.
Quá bận đi học, đứa trẻ tự kỷ của bạn sẽ không có cơ hội để thực hành những gì chúng đã học hay thực sự gặp gỡ và làm quen với một đứa trẻ khác, hoặc chỉ đơn giản là chơi đùa thỏa thích.
Thay vì điên cuồng tìm kiếm và cho con tham gia vào các lớp học, hoạt động và liệu pháp trị liệu, bạn hãy cho con được thư giãn, yên tĩnh nhiều hơn.
Bạn có thể mệt mỏi, thất vọng hoặc lo lắng khi con mắc chứng tự kỷ nhưng hãy luôn nhìn cuộc sống theo những khía cạnh tích cực và tươi sáng. Bạn cũng nên nhớ rằng, việc chăm sóc bản thân sẽ cho phép bạn hỗ trợ con tốt nhất có thể.
Thu Hằng
Ảnh minh họa: Getty Images, Shutterstock, Raising Children, iStock, 123RF
Nguồn tham khảo:
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/dau-hieu-tu-ky-co-khac-biet-giua-be-trai-va-be-gai-khong-20221225095927568.htm
---
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn