Cụm từ "Dậy thì sớm" đang được nhiều chuyên gia sức khỏe quan tâm trong những năm gần đây khi tổ chức Y Tế Thế giới WHO thống kê về độ tuổi dậy thì của các bé gái đang có hiện tượng sớm hơn 2-3 năm, trong khi bé trai cũng sớm hơn 1-2 năm.
Những tác hại khó lường liên quan đến dậy thì sớm.
Đi cùng với sự phát triển sớm của tuổi dậy thì, một số nghiên cứu cho thấy sự phát triển sớm hơn của các bệnh mãn tính như tiểu đường, béo phì, tim mạch… Những bệnh liên quan đến hormone sinh dục estrogen như ung thư vú, ung thư cổ tử cung… lại có sự liên hệ gần gũi với sự dậy thì sớm ở trẻ.
Nhiều cha mẹ khi thấy con dậy thì sớm, thân hình cao lớn và phát triển nhanh hơn các bạn thường vui mừng nhưng các trường hợp này thường có chiều cao thấp hơn chiều cao tiêu chuẩn khi trưởng thành vì hormone sinh dục kích thích sự phát triển xương sớm, các đầu xương đóng sớm khiến trẻ không phát triển chiều cao được nữa.
Nghiên cứu của nhóm nhà khoa học Sławomir Kozieł (Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan) cho thấy, trẻ trai dậy thì sớm hơn 1 năm so với tuổi dậy thì trung bình (11,9 tuổi) có chiều cao ước tính khi trưởng thành thấp hơn 2,9cm. Nếu xuất hiện sớm hơn trung bình 2 năm có chiều cao trưởng thành thấp hơn 6,8cm.
Trẻ em gái dậy thì sớm hơn 1 năm so với tuổi bắt đầu dậy thì (10 tuổi) có chiều cao trưởng thành ước tính thấp hơn 4,6cm. Dậy thì xuất hiện sớm hơn 2 năm thì chiều cao ước tính khi trưởng thành thấp hơn 10,8cm.
Vì sao trẻ dậy thì sớm? Ngoài những lý do liên quan nội tiết và bệnh lý di truyền, theo các chuyên gia dinh dưỡng của Hiệp Hội Dinh Dưỡng Anh và Mỹ: Sự phát triển sớm tuổi dậy thì có liên quan đến chế độ dinh dưỡng và cân nặng của các bé trong giai đoạn từ 0 - 10 tuổi. Bên cạnh đó, một phần đến từ sự phơi nhiễm với các chất hóa học liên quan đến biến đổi estrogen trong các sản phẩm đồ dùng không rõ nguồn gốc hằng ngày.
Cha mẹ cần làm gì để ngăn dậy thì sớm ở trẻ?
A. Quản lý tốt cân nặng của trẻ.
Cha mẹ ở nhiều quốc gia Châu Á, bao gồm VN, thường thích con bụ bẫm, mập mạp khi còn nhỏ. Do đó, thường cố ép trẻ ăn bằng mọi cách để con “mập như con nhà người ta”. Điều này vô tình khiến chúng ta đang đẩy trẻ đi lệch chiều hướng tăng trưởng khỏe mạnh bình thường.
Trong phát triển khỏe mạnh trước 6 tuổi, cân nặng thay đổi quá mức có thể ảnh hưởng đến 2 trong 5 yếu tố cực kỳ quan trọng trong giai đoạn này của trẻ. Đó là vận động và chiều cao.
+ Một nghiên cứu được dẫn đầu bởi GS. Stovitz, ĐH Minnesota, Mỹ đã cho thấy việc trẻ quá to béo lúc nhỏ, đặc biệt sau 2 tuổi, có liên quan đến chiều cao trưởng thành của trẻ giảm đáng kể so với các bé có cân nặng bình thường.
+ Khi nói đến khả năng vận động, TS. Bentley, ĐH Bắc Carolina, Mỹ nhấn mạnh rằng các trẻ nhỏ thừa cân và có lớp mỡ dưới da quá nhiều sẽ liên quan đến trì hoãn vận động so với các bé có cân nặng bình thường. Các bé có thể khó đi lại, khó phát triển tốt các cơ…
Ngoài ra, béo phì và thừa cân trước 10-12 tuổi làm gia tăng dậy thì sớm ở cả bé trai và gái.
Do đó, chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý lúc nhỏ sẽ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh bình thường:
• Trẻ cần được giới thiệu ăn dặm từ 6 tháng tuổi và gia tăng sự đa dạng với các loại thực phẩm trước 2 tuổi. Trẻ nên được khuyến khích học hành vi ăn uống đúng, nhai và thử đa dạng vị và cấu trúc thực phẩm.
• Trẻ dưới 5 tuổi nên được cho ra công viên chơi ít nhất 2-3 ngày/tuần và trên 5 tuổi có thể tham gia 1 số môn thể thao 2-3 ngày/tuần như bơi lội, học võ, nhảy múa…
• Hạn chế các chất béo bảo hòa và transfat trong thực phẩm làm sẵn như bánh snack, đồ hộp, thức ăn làm sẵn, gà rán… Đặc biệt các loại bánh snack có đủ màu sắc, đủ hương vị có nhiều chất điều vị và hóa màu, một số có nguồn gốc từ hợp chất nguy hiểm Phthalate. Tuần chỉ nên giới hạn < 2 ngày dùng các loại trên hoặc < 3 bịch bánh snack loại 120gram/tuần hoặc < 1 bữa ăn gà rán/fast food/tuần.
• Hạn chế nước ngọt có ga hoặc không có ga. Thành phần đường rất cao trong các loại này sẽ ảnh hưởng đến chuyển hóa năng lượng trong cơ thể các bé. Bên cạnh đó, tất cả các loại này đều có caffeine -chất kích thích, có khả năng gây nghiện. Tuần không quá 3 chai loại 250ml cho các bé < 12 tuổi.
B. Giảm thiểu trẻ tiếp xúc với các hóa chất ảnh hưởng đến tăng trưởng
+ Đọc thành phần các thực phẩm làm sẵn, tuyệt đối không cho bé dùng hoặc mẹ đang cho con bú cũng không nên dùng các sản phẩm chứa gốc phthalate như monobutyl phthalate (MBP), diethylhexyl phthalate (DEHP), diethyl phthalate (DEP), diisodecyl phthalate (DIDP), benzylbutyl phthalate (BZBP), monomethyl phthalate (MMP).
+ Chọn các sản phẩm nhựa uy tín và có chỉ số nhựa an toàn là hình tam giác có chỉ số là 2, 4, 5 dưới đáy chai. Các số còn lại 1,3, 6, 7 nên tránh với các bé. Nếu không có kí hiệu nhựa là không có nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, các loại này không nên chứa BPA và Phthalate.
Notes:
Özen, S., & Darcan, Ş. (2011). Effects of Environmental Endocrine Disruptors on Pubertal Development. Journal of Clinical Research in Pediatric Endocrinology, 3(1), 1–6.
Liu, S. et al. (2020). The association between vitamin D levels and precocious puberty: a meta-analysis, Journal of Pediatric Endocrinology and Metabolism, 33(3), 427-429.
Bentley M. et al. (2010) Infant overweight is associated wit deplayed motor development, Journal of Pediatrics, 157(1):20-25.
Stovitz SD. et al (2011) Growing into obesity: patterns of height growth in those who become normal weight, overweight or obese as young adults. Am J Hum Biol; 23:635-641
Kozieł, S. et al. (2015) Age of onset of a normally timed pubertal growth spurt affects the final height of children. Pediatr Res 78, 351–355.
---
Hãy liên hệ với tổng đài 111 hoặc số điện thoại 02437476154 nếu bạn đang mong muốn được hỗ trợ trực tiếp.
Văn phòng tư vấn trị liệu tâm lý trẻ em - số 44/84 Ngọc Khánh - Ba Đình - Hà Nội:
- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý miễn phí cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc bị ảnh hưởng của bạo lực dẫn đến sang chấn tâm lý.
- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý trực tiếp cho những trẻ em bị rối nhiễu như trẻ tự kỉ, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ bị trầm cảm, trẻ chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển ngôn ngữ.
- Tham vấn tâm lý làm bạn cùng con ở tuổi dậy thì
- Tham vấn tâm lý stress, trầm cảm, lo âu.