• 111
  • lang
  • lang

Để giúp trẻ học tốt, chúng ta cần làm gì?

“Con em rất hiếu động, nghịch ngợm khi học bài, mà không chịu ngồi yên ngoan ngoãn, em dùng đủ các cách nhưng chỉ được một lát là đâu lại vào đấy”, một người mẹ đã nhắn tin cho tôi về sự hiếu động của con chị. Thực ra, đôi khi những hành động nghịch ngợm của con trẻ lại cho thấy thiên hướng khám phá của trẻ và cũng là cách để trẻ tìm hiểu xem giới hạn của mình là ở đâu.

Trong học tập, mỗi trẻ đều có nhu cầu, sở thích riêng và có cảm nhận khác nhau về môi trường học.

Vậy để giúp trẻ học tốt, chúng ta cần làm gì?

Yếu tố 1: Trẻ học tốt hơn khi thoải mái là chính mình

Đầu tiên chúng ta cần giúp trẻ cảm thấy thoải mái trong môi trường học tập hơn là tạo môi trường áp lực, gò bó vì khi thoải mái trẻ sẻ tự tin chia sẻ suy nghĩ và dễ dàng tham gia vào các hoạt động. Càng tham gia tương tác và thảo luận sâu trong hoạt động, trẻ sẽ trở nên tập trung cao hơn và cảm nhận được tính thách thức trong mỗi hoạt động trẻ đang thực hiện. Lúc này, trẻ đang hoạt động ở mức sử dụng tối đa năng lực của bản thân. Đó chính là chìa khóa để trẻ tiếp thu và học hỏi tốt các vấn đề.

Vậy, khi nào trẻ cảm thấy thoải mái? việc ngoan ngoãn vâng lời không phản ảnh được sự thoải mái trong trẻ. Giống như sự nghịch ngợm của đứa trẻ đầu bài không phản ảnh là trẻ không tiếp thu. Để hiểu sự thoải mái của trẻ, chúng ta cần quan sát trẻ thông qua biểu cảm gương mặt, dáng điệu và cử chỉ. Liệu trẻ có thể hiện sự hứng thú và quan tâm hay là chỉ vâng theo và nghe lời.

Để trẻ thực sự cảm thấy thoải mái một phần quan trọng nằm ở cách chúng ta giao tiếp với trẻ, cách chúng ta hiểu được những lo lắng và suy nghĩ của trẻ và trên hết hãy để trẻ tự tin là chính mình trong các hoạt động trẻ tham gia.

Yếu tố 2: Càng tham gia sâu, trẻ càng học được nhiều hơn

Dù là tham gia các hoạt động học tâp vui chơi với cha mẹ ở nhà hay với bạn bè thầy cô trên lớp, lợi ích của việc tham gia là giúp trẻ học sâu hơn vì khi đó trẻ có cơ hội giao tiếp, phát triển ngôn ngữ cũng như kiến thức. Như khi trẻ đang say sưa dựng đường ray xe lửa, hay bán đồ hàng cùng các bạn, trẻ sẽ liên tục có những tương tác với môi trường xung quanh mình. Từ đó, trẻ sẽ có cơ hội tăng khả năng ngôn ngữ, giao tiếp và nạp thêm kiến thức về xử lý tình huống. So với một trẻ chỉ thu mình ở góc phòng, rõ ràng, việc tham gia sâu vào hoạt động học tập sẽ giúp trẻ học được các kiến thức mới, và phát triển tốt các kĩ năng cảm xúc xã hội hơn

Để trẻ tham gia, bên cạnh việc giúp trẻ cảm thấy thoải mái, cha mẹ hay thầy cô cần tạo không gian và cơ hội cho nhiều hoạt động đa dạng. Các hoạt động nên phù hợp với sở thích của trẻ, có tính thử thách mới cho trẻ và luôn cho trẻ sự khích lệ.

Để kết tôi lấy lại câu nói của Alfie Kohn- nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ:

“Khi đứa trẻ cảm thấy thoải mái, trẻ sẽ thử điều mới, đặt câu hỏi về nó, mạnh dạn thực hiện mà không ngại sai, trẻ học được sự tự tin, dễ chia sẻ cảm giác của mình với người khác và sẽ thành công”

Note:

Tài liệu: “Thực hành quan sát trẻ theo quá trình trong cơ sở giáo dục mầm non” dành cho giáo viên - Được biên soạn bởi VVOB - Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, vương quốc Bỉ và Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT)

-------------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/124927393982155061