• 111
  • lang
  • lang

Hệ miễn dịch khỏe không phải tự sinh ra là có.

Hệ miễn dịch của trẻ sinh ra dường như bắt đầu với con số 0. Trong 6 năm đầu đời trẻ sẽ phát triển dần khả năng hoàn thiện miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch mắc phải thông qua sữa mẹ, thực phẩm ăn uống, vui chơi và tiêm phòng. Từ 6 tháng tuổi trẻ bắt đầu ăn dặm. Đó là lúc trẻ bắt đầu đa dạng các loại thực phẩm, điều này đồng nghĩa trẻ cũng bắt đầu du nhập một lượng lớn các hại khuẩn thông qua đường miệng. Vai trò của lợi khuẩn đường ruột là rất quan trọng ở điểm mấu chốt này vì đường ruột chiếm khoảng 70% tế bào miễn dịch của cơ thể.

TS. Plaza-Diaz, ĐH Granada, Tây Ban Nha cho biết lợi khuẩn có thể tăng cường miễn dịch phòng vệ thông qua tăng tiết IgA- một kháng thể bề mặt có vai trò tích cực trong tiếp cận, bắt giữ các kháng nguyên lạ hoặc vi khuẩn gây bệnh. Điều này góp phần đảm bảo sự cân bằng cũng như ngăn ngừa hại khuẩn xâm nhập và phát triển. 

Ăn - ngủ - vui chơi như thế nào giúp trẻ có hệ miễn dịch khỏe mạnh?

Trở lại câu chuyện đầu bài ở trên. Thực ra một đứa trẻ có thể dễ mắc bệnh hơn đứa trẻ khác phần lớn là ảnh hưởng bởi môi trường, cách ăn uống, chăm sóc nuôi dưỡng,…hơn là do “số phận”. Chỉ có 1 tỷ lệ rất rất nhỏ là bé sinh ra không may mang 1 bệnh di truyền nào đó. Với trẻ nhỏ, phần lớn các yếu tố môi trường giúp hình thành miễn dịch khỏe mạnh là thông qua các hoạt động ăn-ngủ-vui chơi . Và người có thể giúp trẻ làm tốt nhất điều này không ai khác mà chính là những người cha, người mẹ của chúng.

Đây là một số điều cha mẹ có thể tham khảo để giúp con khỏe mạnh hơn, đặc biệt là trong thời điểm như hiện nay.

1. Về dinh dưỡng

Trẻ nên bú sữa mẹ sớm sau sinh và tiếp tục duy trì sau đó vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng và vật chất miễn dịch sơ khai tốt nhất cho trẻ sơ sinh.

Khi trẻ bắt đầu ăn dặm đến 3 tuổi là khoảng thời gian trẻ nên được học nhai và học vị giác thông qua giới thiệu đa dạng rau. củ, quả. Mỗi ngày trẻ 1-6 tuổi nên ăn 2-3 loại rau quả có đa dạng màu sắc càng tốt để trẻ nhận đủ các vitamin quan trọng như vitamin A, C, E, nhóm B và các hợp chất chống oxy hóa. Trẻ cũng nên được ăn đa dạng đạm từ thịt, cá, nấm, đậu các loại để đảm bảo trẻ nhận đủ sắt, kẽm, canxi.

Khi trẻ bắt đầu ăm dặm từ 6 tháng tuổi, hệ vi sinh vật đường ruột có vai trò quan trọng cho miễn dịch khỏe mạnh. Đường ruột non yếu của trẻ cần phải cân bằng giữa lợi khuẩn và hại khuẩn để bé có đề kháng tốt và dễ hấp thu thức ăn.

Có nhiều cách để giúp trẻ tăng cường lợi khuẩn đường ruột, trong đó một cách đơn giản và thuận tiện là cho trẻ dùng những loại sữa chua có bổ sung lợi khuẩn. Việc lựa chọn những loại sữa chua có bổ sung lợi khuẩn này cũng cần được quan tâm về tính an toàn, lợi ích và hiệu quả mà chủng khuẩn đó mang lại. 

2. Giấc ngủ

Giấc ngủ không đủ hoặc không đủ tốt có thể làm trẻ mệt mỏi, thậm chí ảnh hưởng đến việc học hỏi vui chơi của trẻ. Ngoài ra, theo TS. Besedovsky, ĐH Tübingen, Đức, nó cũng có thể làm yếu cả hệ thống đáp ứng miễn dịch cơ thể. Điều này có thể làm trẻ dễ bị bệnh hay viêm nhiễm. Bạn có thể tạo 1 hoạt động hugging time với trẻ khoảng 10-20 phút trước giờ ngủ. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho giấc ngủ. Có thể là đọc sách, kể chuyện vui, ca hát...Quan trọng là các hoạt động này nên diễn ra trên giường và không có màn hình điện tử. Và kết thúc thời gian hugging time bằng cách ôm hôn và chúc con ngủ ngon.

3. Vui chơi

Các hoạt động vui chơi của trẻ dưới 6 tuổi hướng đến sự năng động của trẻ hằng ngày thông qua các hoạt động vui chơi thường nhật như đi bộ công viên, trò chơi ngoài trời, ném bắt bóng, nhảy dây, hoạt động nằm úp khi chơi ít nhất 30 phút/ngày. Điều này không chỉ giúp tăng hệ miễn dịch của trẻ khỏe mạnh hơn, mà còn giúp giảm thời gian thụ động của trẻ như nằm xem TV, Ipad, điện thoại.

Hướng dẫn của Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Mỹ, không nên cho các bé dưới 2 tuổi tiếp xúc với màn hình điện tử, kể cả các video hay chương trình giáo dục, trừ việc nói chuyện skype/video call với người thân bởi vì các bé dưới 2 tuổi không có lợi ích trong việc sử dụng các chương trình giáo dục thông qua màn hình điện tử. Các bé 2-6 tuổi là giới hạn xem màn hình điện tử dưới 60 phút/ngày. Đây là 1 số hoạt động gợi ý bạn và bé có thể cùng chơi tại nhà:

• Trẻ <12 tháng: chui hang qua thùng carton rỗng, chơi ú à, chi chi chành chành, nhong nhong, cốc cốc cốc, nu na nu nống

• Trẻ 1-3 tuổi: Tập thể dục nhảy múa mỗi sáng với ba mẹ, dẫn bé đi “thám hiểm” cây cỏ chim thú ngoài vườn, leo cầu thang cùng mẹ, bắt chước kiểu đi của bà,…

• Trẻ 4-6 tuổi: trò chơi lễ phép (VD như quy ước chào, chúc ngủ ngon,…), đánh banh, bắt bóng, hướng dẫn bé về các món, các loại gia vị và tên nguyên vật liệu, các trò chơi đóng vai như làm bác sĩ, làm cô giáo…

Notes

Besedovsky L, Lange T, Haack M. The Sleep-Immune Crosstalk in Health and Disease. Physiol Rev. 2019 Jul 1;99(3):1325-1380.

Brodin P, Jojic V, Gao T, Bhattacharya S, Angel CJ, Furman D, Shen-Orr S, Dekker CL, Swan GE, Butte AJ, Maecker HT, Davis MM. Variation in the human immune system is largely driven by non- heritable influences. Cell. 2015 Jan 15;160(1-2):37-47.

---

Hãy liên hệ với tổng đài 111 hoặc số điện thoại 02437476154 nếu bạn đang mong muốn được hỗ trợ trực tiếp.

Văn phòng tư vấn trị liệu tâm lý trẻ em - số 44/84 Ngọc Khánh - Ba Đình - Hà Nội:

- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý miễn phí cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc bị ảnh hưởng của bạo lực dẫn đến sang chấn tâm lý.

- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý trực tiếp cho những trẻ em bị rối nhiễu như trẻ tự kỉ, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ bị trầm cảm, trẻ chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển ngôn ngữ.

- Tham vấn tâm lý làm bạn cùng con ở tuổi dậy thì

- Tham vấn tâm lý stress, trầm cảm, lo âu. 

- Địa chỉ Fanpage: https://www.facebook.com/tuvantrilieutamlytreem