Nhiều cha mẹ đã trải qua tình huống như thế này: "Con hay dỗi (giận) khi không được điều gì, và bé hay ném đồ vật mặc dù bé không dỗi ai. Vào lúc này, em luôn nghiêm khắc nói bé không được làm vậy, có lúc bắt bé úp mặt vào tường hoặc đánh bé 1 cái thật đau vào tay con và nói sẽ đánh đau như vậy nếu con tái phạm. Nhưng đâu lại vào đấy, bé cũng lại ném, mắng trước quên sau. Đôi lúc em thấy bất lực quá, đành kệ cho con muốn làm gì thì làm, mẹ cứ cặm cụi đi nhặt về." Cha mẹ chia sẽ rằng họ đang chưa biết áp dụng phương pháp nào dạy cho con phù hợp, phương pháp nào nói con để con có thể nghe, hiểu và ngoan? Độ tuổi của bé cha mẹ băn khoăn nhiều về vấn đề này là tầm 1.5 - 4 tuổi.
Sự thật về trẻ con.
Có những điều cha mẹ cần phải chấp nhận về trẻ con. Trong khoa học tâm lý trẻ con, trẻ con là đối tượng dễ thay đổi và không chấp nhận giáo điều. Các bé chỉ chấp nhận sự lập lại. Điều này có nghĩa là mặc dù bé đang làm một hành động sai, bạn có dùng biện pháp răn đe, nhắc nhở, thậm chí đánh vào tay bé, nhưng bạn không phải ngạc nhiên rằng bé sẽ không thể nào nhớ được giáo điều đó của bạn đến khi bé qua 5 tuổi. Trẻ em dưới 5 tuổi, sự tập trung của các bé là rất ngắn chỉ khoảng 5-10 phút, bé không nhớ những gì bạn khuyên bảo trừ khi sự khuyên bảo ấy cứ kiên nhẫn lập lại.
Làm sao nói để trẻ ngoan và hiểu?
Đơn giản, khi bé làm một hành động nào đó.
- Nếu hành động đó là sai, bạn chỉ dùng 1 cách răn đe duy nhất và lập lại cách răn đe này cho mọi lần bé lập lại. Đừng thay đổi cách răn đe. Vi dụ, bạn dùng cách răn đe như: bạn bế bé đến món đồ mà bé ném, nói nghiêm với bé là không được làm vậy, đây là hành động sai, mẹ không thích và con hãy nhặt nó lên. Nếu bé không chịu nhặt thì bạn nhặt lên đưa bé cầm, khuyến khích bé đưa lại mẹ. Khi bé đưa lại mẹ thì mẹ khen bé "con của mẹ rất ngoan, biết đưa đồ cho mẹ, vỗ tay ra tiếng cho bé nghe hoặc hứa với bé chiều dẫn bé ra ngoài chơi - và nhớ giữ lời hứa nếu đã hứa". Sau này, bé có lập lại hành động ném đồ đó, bạn đừng ngạc nhiên là "tại sao mẹ bảo con hôm trước nay lại làm nữa", đó chính là trẻ con. Trong lần này, bạn chỉ đơn giản lập lại đúng quy trình răn đe lần trước. Đừng thay đổi quy trình. Ví dụ lần đầu là nói nghiêm với bé, nhưng lần 2 là quát bé, hoặc đánh bé, hoặc bỏ qua. Như đã nói ở trên, trẻ con cần sự lập lại kiên nhẫn một quy trình đến lúc trẻ hiểu được quy trình đó của bố mẹ. Bạn cứ làm đúng 1 quy trình răn đe, kiên nhẫn lập lại. Sau một thời gian bạn sẽ vui mừng nhận ra rằng: bé của mẹ ngoan quá, đã không còn hành động đó nữa, mà sẽ mang món đồ đó đưa cho mẹ khi thấy nó rớt xuống đất. Trẻ con là phải dạy chúng như vậy!
- Nếu hành động đó là đúng, đáng khen, bạn nên khen bé. Khen bé trước một người khác, một đám đông là khuyên làm. Nhưng lời khen đưa ra là phải đáng khen. Không nên khen xáo rỗng. Khen đúng và trước đám đông sẽ giúp bé tự tin vào bản thân bé, và bé sẽ thể hiện sự mạnh dạn. Ví dụ, khi bé chịu đứng trước đám đông hát thì khi bé hát, hãy cổ vũ bé, hát theo bé nếu có thể. Hát xong bé có thể muốn hát một bài nữa thì cha mẹ nên cổ vũ bé hát thêm. Đừng bao giờ, so sánh bé trước đám đông, hoặc phán xét khả năng của bé khi bé chịu làm 1 việc gì. Dù bé làm không tốt, nhưng bé đã mạnh dạn làm, đáng cổ vũ hơn là phán xét. Nhiều phán xét chỉ vô ý hoặc chỉ cho vui, nhưng đối với trẻ từ 3-12 tuổi là rào cản để bé tiếp tục làm điều đó trong tương lai. Bé sẽ thiếu tự tin để làm bất cứ việc gì.
LỜI KHUYÊN TỪ CHUYÊN GIA:
- Đừng nghĩ hình phạt/sự răn đe của bạn là có hiệu lực ngay đối với trẻ con sau đó. Trẻ con cần sự lập lại 1 hình thức răn đe để có thể hiểu và ngoan hơn.
- Nhiều cha mẹ cảm thấy hình phạt của mình có hiệu quả. VD con nó không dám làm gì khi nhìn thấy cây roi. Đó là điều đáng lo hơn là đáng mừng, tâm lý trẻ con trước 5 tuổi rất yếu ớt, có một phần của sự thu mình/thiếu tự tin - một nhân tố cơ bản của sự tồn tại. Nếu bé phải đối mặt với nhiều stress, bé rất dễ thu mình lại, trở nên ít hoạt bát, ít nói, dễ sơ chấn tâm lý và tự kỉ
- Khen trẻ là khuyến khích khi trẻ chịu làm một điều gì, hoặc làm điều gì đó tốt. Khen trước đám đông là được khuyên, nhưng phải khen đúng. Không nên phán xét bất kì gì khi bé đang làm việc gì. Cổ vũ bé là điều khuyên làm. Hãy cho bé tham gia chơi cùng các bạn khác, và đó là những cơ hội tốt bạn cổ vũ bé để bé tự tin vào bản thân.
Notes:
Noel Swanson (2004) The good child guide, Aurum, London
---
Hãy liên hệ với tổng đài 111 hoặc số điện thoại 02437476154 nếu bạn đang mong muốn được hỗ trợ trực tiếp.
Văn phòng tư vấn trị liệu tâm lý trẻ em - số 44/84 Ngọc Khánh - Ba Đình - Hà Nội:
- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý miễn phí cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc bị ảnh hưởng của bạo lực dẫn đến sang chấn tâm lý.
- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý trực tiếp cho những trẻ em bị rối nhiễu như trẻ tự kỉ, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ bị trầm cảm, trẻ chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển ngôn ngữ.
- Tham vấn tâm lý làm bạn cùng con ở tuổi dậy thì
- Tham vấn tâm lý stress, trầm cảm, lo âu.