• 111
  • lang
  • lang

Những dấu hiệu cho thấy trẻ đang cần được giúp đỡ.

     Những hành vi của trẻ dưới đây thường bị người lớn đánh giá là không đúng mực nhưng thực tế, chúng đang cần sự giúp đỡ. 

    Trẻ em hiếm khi bộc lộ rõ ràng những lo lắng của mình bằng lời nói. Chúng thường sử dụng ngôn ngữ cơ thể và ngôn ngữ cảm xúc để truyền đạt mọi vấn đề đến cha mẹ. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh lại cho rằng, con họ cư xử không đúng mực. Thực tế, những bất thường trong hành vi của trẻ cho thấy chúng đang gặp vấn đề, cần sự giúp đỡ từ người lớn.

Trẻ hung hăng

     Khi trẻ trở nên hung hăng, thích dùng bạo lực, người lớn cho rằng bé ngỗ nghịch, lỳ lợm nhưng thực tế là chúng đang sợ hãi. Đôi khi, sự hung hăng còn biểu thị sự giận dữ của trẻ với cha mẹ. Bạn hãy ôm con vào lòng, nhẹ nhàng trò chuyện để tìm hiểu nguyên nhân. Đừng vì nóng giận mà trách móc, đánh con.  

     Bên cạnh đó, ở độ tuổi này, trẻ không đủ khả năng kiểm soát hành vi. Cha mẹ nên làm mẫu để trẻ học theo và dần có cách cư xử phù hợp.

Trẻ la hét, kích động

     Nếu trẻ la hét, có trạng thái kích động, bạn đừng lo lắng. Bạn chỉ cần để ý xem con cần gì và giúp đỡ chúng.  Bạn hãy hiểu rằng, trẻ không đủ khả năng đối phó với những cảm xúc phức tạp ngoài việc la hét. Một sự thất vọng nhỏ cũng khiến con bực bội trong lòng.

Lúc này, người lớn nên bình tĩnh, phân tích cho con hiểu hành xử như vậy là không đúng và hướng dẫn con cách thể hiện cảm xúc.

Trẻ quăng quật đồ chơi

     Thi thoảng bạn sẽ  thấy con ném đồ chơi liên tục, quăng quật chúng với thái độ cáu kỉnh. Điều này cho thấy, trẻ đang chán nản, bức bối. Bé muốn được ra ngoài chạy nhảy, nô đùa hay đi dạo, hít thở không khí trong lành. Hoặc, bé buồn chán, muốn có người chơi cùng. Bạn hãy hỏi xem con có muốn ra ngoài hay vẽ cùng mẹ không nhé. Cách tốt nhất, hãy để trẻ đưa ra ý tưởng về các hoạt động thể chất. Chúng sẽ hào hứng và tham gia nhiệt tình. 

Trẻ nói dối

     Khi phát hiện trẻ nói dối hoặc phóng đại sự việc, câu chuyện, bạn đừng phớt lờ. Nó là một trong những dấu hiệu cho thấy con sợ hãi điều gì đó hoặc gặp vấn đề về áp lực tâm lý. Ví dụ: Trẻ làm sai và sợ cha mẹ mắng.  Trong trường hợp này, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân con nói dối và bày tỏ cho con biết, bạn đánh giá cao việc trẻ cư xử thành thật hơn.

Trẻ từ chối thực hiện mọi thứ

     Nếu một ngày, bạn thấy con từ chối đánh răng, đeo ba lô... hay từ chối mọi việc cha mẹ giao,  bạn đừng quát tháo hay chỉ trích con là lười biếng. Đơn giản là trẻ đang mệt mỏi khi bị yêu cầu làm việc. Bạn hãy để chúng nghỉ ngơi, đừng cố ép con học tập hay tham gia các hoạt động thể chất. 

     Phụ huynh không nên dùng quyền lực áp chế con mà để con tự sắp xếp thời gian làm việc.  Ví dụ, bạn muốn con dọn nhà. Bạn hãy cho con lựa chọn thời điểm dọn, vào buổi trưa, chiều hoặc tối...

     Để hiểu trẻ không khó, hãy đặt mình vào vị trí của trẻ, tôn trọng và lắng nghe trẻ. Những hành vi không mong muốn mà trẻ thể hiện ra chỉ là chúng muốn nói: "Con đang không ổn và cần sự giúp đỡ". 

----

Tài liệu tổng hợp bởi Diệu Bình

 -----

Hãy liên hệ với tổng đài 111 hoặc số điện thoại 02437476154 nếu bạn đang mong muốn được hỗ trợ trực tiếp.

Văn phòng tư vấn trị liệu tâm lý trẻ em - số 44/84 Ngọc Khánh - Ba Đình - Hà Nội:
- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý miễn phí cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc bị ảnh hưởng của bạo lực dẫn đến sang chấn tâm lý.

- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý trực tiếp cho những trẻ em bị rối nhiễu như trẻ tự kỉ, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ bị trầm cảm, trẻ chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển ngôn ngữ.

- Tham vấn tâm lý làm bạn cùng con ở tuổi dậy thì

- Tham vấn tâm lý stress, trầm cảm, lo âu