• 111
  • lang
  • lang

Những diễn biến tâm lý của các thành viên trong gia đình có trẻ em Rối loạn phổ tự kỉ.

Sau khi trẻ có kết luận chẩn đoán Rối loạn phổ tự kỉ (RLPTK), cha mẹ được tư vấn đây là một rối loạn phát triển kéo dài suốt cả cuộc đời, trẻ có thể sẽ vĩnh viễn không thể có sự phát triển thông thương, hoàn thiện các chức năng sống như những người khác, đối với cha mẹ, đó thực sự là một nỗi đau quá lớn.

Khi sinh ra một trẻ em có RLPTK, người mẹ thường bị trách cứ nhiều hơn người cha. Ông bà của trẻ có thể bị tổn thương gấp đôi: họ đau khổ cho cháu và con của mình. Phản ứng về tình cảm của họ cũng trải qua các giai đoạn giống như cha mẹ trẻ, tuy nhiên họ có thể trở thành chỗ dựa về tinh thần, tình cảm, đạo đức. Chính họ là người làm những điều thiết thực để hỗ trợ cho trẻ và cha mẹ trẻ.

Anh chị em của trẻ cũng có những phản ứng tình cảm của mình. Thường thì các cháu cũng lo lắng về khuyết tật đó, một số cũng sợ bị khuyết tật, một số khác có cảm giác ghen tị vì bị tước mất phần lớn sự chú ý của người lớn, một số khác cảm thấy xấu hổ vì có một người anh/chị/em "đặc biệt"...

Những tâm lý đặc trưng cho nhóm cha mẹ có con RLPTK:

Cảm giác mất mát, đau khổ giằng xé: điều khác biệt so với cha mẹ của những trẻ khuyết tật vốn dễ thừa nhận như khiếm thính khiếm thị... là những hy vọng của cha mẹ có con RLPTK đôi khi lóe lên rồi lại mất đi. Và cứ như vậy, nhiều năm liền cho đến khi họ cảm thấy rằng không còn hy vọng về một con người phát triển thông thường nữa.

Phản ứng từ những người xung quanh: Những hành vi của trẻ RLPTK khi đi ra đướng có thể gây những căng thẳng đáng kể. Mọi người có thể nhìn chằm chằm, đàm tiếu hoặc không hiểu những hành vi gì đang xảy ra. Trẻ em RLPTK ngày cả khi ngoan, cũng có thể gây ồn ào hoặc hiếu động quá mức hoặc quá trớn với người lạ. Khi sợ hãi, trẻ có thể hét to, khi buồn chán hoặc bực bội các em có thể ăn vạ rất lâu. Kí ức về những lần ra ngoài không mấy dễ chịu này ảnh hưởng đến quyết định của gia đình khi đi ra ngoài.

Cảm giác bản thân và gia đình bị cô lập: cha mẹ có thể cảm thấy không an tâm khi cho con đến nhà bạn hay họ hàng chơi. Khi có dịp tụ tập gia đình, mức độ căng thẳng có thể tăng vọt. Gia đình có thể cảm thấy như thể họ không thể giao lưu hay liên hệ với người khác.

Những câu hỏi về tương lai luôn rất nhức nhối:  ngay cả những cha mẹ thích nghi tốt, bản lĩnh, hoạt bát và cân bằng cũng có thể cảm thấy căng thẳng khi họ nghĩ về tương lai của trẻ. Họ có thể tự hỏi: Ai sẽ lo cho con mình khi mình mất đi? Liệu người đó có thể chăm lo như mình đang làm không? Liệu người đó có cho con đúng thức ăn con thích không?.... Câu trả lời không hề dễ dàng và mối lo cứ gắn chặt trong tâm trí người mẹ.

Sự hiểu và chia sẻ với những gia đình có trẻ RLPTK là rất cần thiết để họ có được sự trợ giúp phù hợp, cùng họ đi tiếp con đường dài đầy gian nan trong việc can thiệp và hỗ trợ trẻ  phát triển tối đã tiềm năng của mình.

 

-----

Nguồn: Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỉ tại Việt Nam – Quỹ bảo trợ Trẻ em Việt Nam.

-----

Hãy liên hệ với tổng đài 111 hoặc số điện thoại 02437476154 nếu bạn đang mong muốn được hỗ trợ trực tiếp.

Văn phòng tư vấn trị liệu tâm lý trẻ em - số 44/84 Ngọc Khánh - Ba Đình - Hà Nội:
- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý miễn phí cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc bị ảnh hưởng của bạo lực dẫn đến sang chấn tâm lý.

- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý trực tiếp cho những trẻ em bị rối nhiễu như trẻ tự kỉ, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ bị trầm cảm, trẻ chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển ngôn ngữ.

- Tham vấn tâm lý làm bạn cùng con ở tuổi dậy thì

- Tham vấn tâm lý stress, trầm cảm, lo âu.