• 111
  • lang
  • lang

Những kỹ năng mềm có lợi cho trẻ (Phần 2)

Một số kỹ năng sống dưới đây cũng có thể là các công việc gia đình hàng ngày, nhưng có thể giúp trẻ tập chủ động, tự lập, biết đưa ra quyết định và xây dựng các kỹ năng mềm khác có ích khi trẻ lớn lên. Mời theo dõi phần 2 của bài viết.

6. Việc dọn dẹp 

Không ít cha mẹ vẫn nghĩ rằng việc tự mình làm hết công việc dọn dẹp sắp xếp nhà cửa thì dễ dàng hơn nhiều so với việc nhờ cậy con trẻ. Tuy nhiên, thực tế cha mẹ đang bỏ lỡ những cơ hội tốt nhất để có thể hướng dẫn trẻ cách giữ gìn nhà cửa ngăn nắp, dọn dẹp sạch sẽ. Đây là kỹ năng rất cần thiết cho trẻ trong quá trình trưởng thành, đặc biệt là khi trẻ lên đại học hoặc cần sống tự lập.


 
Hãy bắt đầu dạy trẻ một số việc phù hợp với độ tuổi như tự gấp chăn màn, dọn chén bát, lau bàn ghế, dọn đồ chơi… Khi ở độ tuổi 3-5 tuổi, trẻ có thể đang tò mò và thích thú khi được làm những công việc như người lớn. Cha mẹ cố gắng tạo cho trẻ niềm vui khi làm việc nhà, để trẻ hiểu được rằng muốn nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ ta phải cùng nhau bỏ sức dọn dẹp.

Dần dần khi trẻ lớn lên, cha mẹ có thể bắt đầu lập bảng phân công việc nhà và cố gắng thực hiện như kế hoạch đã đặt ra.

 

7. Việc giặt giũ 

Nếu gia đình có trẻ con, chắc hẳn cha mẹ cũng phải tốn không ít thời gian và công sức cho việc giặt giũ. Do đó, việc hướng dẫn trẻ cách chủ động giặt những món đồ đơn giản, gấp quần áo hoặc tự giác cho quần áo vào máy giặt không những là giúp trẻ học được thêm kỹ năng mới, mà còn giúp ích nhiều cho cha mẹ. 

Các con có thể học được nhiều từ việc giúp đỡ cha mẹ phân loại quần áo theo màu sắc, theo chất liệu ở thời gian đầu. Sau đó, khi các con đã đủ khả năng, cha mẹ sẽ hướng dẫn thêm việc sử dụng máy giặt, ước lượng nước giặt hoặc nước xả vải. Trẻ sẽ nhanh chóng học được là tự mình thực hiện những công việc này.

 

8. Biết so sánh khi đi mua sắm

Chắc cha mẹ nào cũng đã từng trải nghiệm cảnh con trẻ nài nỉ "con muốn con muốn" với những thứ trẻ thích thú khi nhìn thấy trong siêu thị hoặc cửa hàng mua sắm. Với người lớn, nhiều người đã có những bài học về giá trị của đồng tiền và hiểu được tầm quan trọng của việc so sánh giá cả khi mua sắm. Nhưng cũng chính người lớn lại bỏ qua việc cần thiết khi dạy trẻ cách biết so sánh, một trong những kỹ năng sống rất có ích cho trẻ.

Lần tới khi cha mẹ thấy trẻ đang vòi vĩnh một món đồ khá đắt, hãy thử mở điện thoại tra cứu những sản phẩm tương tự với giá thấp hơn và cho trẻ xem. Tuy bạn không thể đảm bảo được món đồ ở cửa hàng khác tốt hơn chỗ hiện tại đang mua sắm, nhưng ít ra con trẻ cũng biết được rằng chúng có thể biết được liệu ở nơi khác có thứ hàng hoá mình cần với mức giá khác hoặc ngang bằng hay không. Và từ đây, trẻ sẽ học tập được cách đưa ra quyết định khôn ngoan, có sự cân nhắc khi chúng muốn mua thứ gì đó.

 

9. Việc gọi món ăn tại nhà hàng, quán ăn

Cha mẹ thường sẽ cố gắng là người thực hiện việc gọi món mỗi khi gia đình đi ăn ngoài. Tuy nhiên, thực tế nếu cha mẹ để con trẻ tập gọi món sẽ khiến trẻ thích thú và tập được sự tự tin khi độc lập hoạt động.

Có nhiều nhà hàng hoặc tiệm ăn chuẩn bị menu cho trẻ em nên các con có thể dễ dàng chọn được món mình muốn. Dần dần, trẻ sẽ cảm thấy tự nhiên, thoải mái khi cần trò chuyện với người phục vụ về những món trẻ muốn ăn hoặc thêm bớt gia vị. Cha mẹ cũng cần nhắc nhở với trẻ rằng cần đối xử tử tế với những người phục vụ bàn, biết nói xin lỗi và cám ơn với họ khi cần thiết, đặc biệt là sau khi hoàn thành việc gọi món. Vì đó là quy tắc ứng xử cơ bản với mọi người xung quanh.

 

10. Tự chuẩn bị cho bản thân sẵn sàng vào mỗi buổi sáng

Trẻ nên được học cách tự chuẩn bị cho bản thân sẵn sàng hàng ngày từ khi còn nhỏ, khoảng 3,4 tuổi. Cha mẹ hãy cho trẻ bắt đầu tự dậy theo giờ báo thức, đi đánh răng, vệ sinh cá nhân, tự chọn quần áo, giày dép. Trước đó, cha mẹ chuẩn bị cho trẻ loại đồng hồ có báo thức và dễ sử dụng để trẻ có thể tự đặt giờ hàng ngày. Đồng thời, trong thời gian đầu, cha mẹ có thể giúp trẻ chuẩn bị sẵn lược chải tóc, bàn chải, khăn mặt sau đó hướng dẫn trẻ cùng chuẩn bị, nên làm gì trước, các bước tiếp theo. Việc tích cực dùng hình ảnh để hướng dẫn bé làm theo sẽ giúp trẻ ghi nhớ dễ dàng hơn thứ tự các bước chuẩn bị. Ví dụ cha mẹ có thể thử chụp ảnh đồng hồ báo thức, bàn chải đánh răng, cửa toilet, quần áo… và treo trong phòng trẻ như một bảng hướng dẫn trong thời gian đầu trẻ đang làm quen. 

 

11. Chăm sóc nhà cửa 

Con trẻ có lẽ sẽ thích thú khi được theo chân cha mẹ giúp đỡ ở các ngõ ngách trong gia đình, và sẽ có những công việc nhẹ nhàng mà trẻ thừa khả năng hỗ trợ cha mẹ. Do đó hãy gợi ý với trẻ, cùng tạo không khí thoải mái khi làm việc nhà để trẻ không ngại lao động. Những công việc đơn giản, nhẹ nhàng như thay đổi giấy vệ sinh, hoặc đặt túi đựng rác mới vào thùng, trẻ đều có thể dễ dàng làm được. Hãy chỉ cho con trẻ thấy hàng ngày, cha mẹ có thể cùng con chăm sóc ngôi nhà từ những chi tiết nhỏ nhất đến những công việc phức tạp hơn như cùng nhau quét mạng nhện, thay đổi màn cửa, sơn tường… 

Những công việc chăm sóc không gian sống có thể giúp trẻ ý thức được rằng mỗi người nên có ý thức xây dựng, góp phần làm đẹp địa điểm sống, cùng chia sẻ công việc nhà hàng ngày là việc nên làm trong mỗi gia đình.

Khi trẻ có thể dần làm quen với những kỹ năng sống nêu trên, khả năng làm việc độc lập và sống tự lập ở trẻ sẽ sang một bước mới. Có nhiều kỹ năng ngoài kia trẻ cũng cần được học hỏi thêm do học tập không ngừng mới giúp con người phát triển. Khi các kỹ năng sống cơ bản của trẻ được hoàn thiện, cha mẹ sẽ không cần lo lắng mỗi khi trẻ cần ở nhà hoặc sống một mình trong khoảng thời gian dài nhất định.

-------------
Nguồn tham khảo: https://www.verywellfamily.com/teaching-children-life-skills-early-4144959
-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616