Có một nỗi đau mà hậu quả và mức độ tổn thương có thể còn lớn hơn nỗi đau đòn roi. Đó là lời nói tiêu cực mỗi ngày chúng ta đặt vào trẻ.
Những hậu quả có thể xảy ra như:
1. Vô tình gắn nhãn trẻ với những tính cách hoặc hành vi xấu vì cách chúng ta nói và dán nhãn những hành vi xấu đi cùng với trẻ có thể vô tình đã xây dựng mục tiêu hành vi đó ở trong trẻ VD, "đừng có ích kỉ vậy, để bạn chơi tí nào!". Lúc này bạn đã vô tình gắn nhãn ích kỉ lên trẻ nhưng thật sự trẻ chưa đủ nhận thức để hiểu ích kỉ là gì?
2. Kéo sự tự tin vốn trong sáng ở trẻ xuống bằng cách lập lại hành vi sai hay nhấn mạnh điều tiêu cực. Thiên tài hội họa Picasso từng nói “Mọi đứa trẻ sinh ra đều là một nhà nghệ thuật. Nhưng vấn đề là làm sao vẫn nuôi dưỡng tố chất này trong mỗi đứa trẻ khi lớn lên.” Khi chúng ta dùng lời nói tiêu cực thường xuyên như "thứ gì mà ngu vậy, dạy hoài không nhớ", hay "lì như vậy ai mà thương được"..., chúng ta tự giới hạn tố chất thiên tài trong trẻ bằng lời nói, cũng là đang tắt sự cố gắng, tò mò, và sáng tạo của trẻ.
3. Gia tăng các vấn đề trầm cảm và tâm lý bất ổn ở trẻ.
Điều gì chúng ta nên nói, và thay đổi như thế nào?
Điều chúng ta cần làm là:
* Bớt nói lời tiêu cực
* Thay bằng lời cầu khiến, giáo dục cách thực hiện hoặc nhắc nhở hành vi.
Nhắc nhở hành vi: thay vì nói "đừng có ích kỉ quá , để bạn chơi với!", cha mẹ nên chọn cách nói trung lập hơn như: "chúng ta cho bạn xem răng cá xấu nào ( đặc điểm cái mà trẻ thích từ món đồ), liệu bạn cũng thích thì sao nhỉ!"
Giáo dục cách thực hiện: Thay vì nói "thứ gì mà ngu vậy", hãy cho trẻ cơ hội nói như: "nào! nói cho mẹ nghe A xem", còn C thì sao? Vậy, giữa A và C là gì nhỉ?...
Câu cầu khiến: Thay vì nói "lì như mày ai thương được, tao về đây mày ở siêu thị cho chú lạ bắt luôn", bạn có thể cho trẻ hiểu mệnh lệnh và quy trình của mệnh lệnh như: "Mẹ về đây! 5 phút để rời đi và đến quầy tính tiền! Nào 5 phút của con bắt đầu!". Khi dùng mệnh lệnh/cầu khiến cần để trẻ nghe bằng cách ngồi xuống ngang tầm mắt trẻ và nói.
Để hạn chế sử dụng lời tiêu cực "tự phát", cha mẹ nên bớt tính cằn nhằn và nhai lại lời nói/mệnh lệnh. Theo TS. Greenberg, cách nhai lại/cằn nhằn không hiệu quả trong việc thay đổi hành vi của trẻ, mà chính cách nói 1 là 1 và dứt khoát rõ ràng là mới đem lại hiệu quả
Cha mẹ cũng không nên dùng quá nhiều cảnh báo cho 1 hành vi. VD, bạn đã nói 5 phút sẽ về thì bạn đừng cho thêm 5 phút hay nói là "mẹ đã nói 5 phút rồi mà"... Đơn giản, kết thúc đưa trẻ đi về dù trẻ có phản ứng ra sao. Phản ứng ban đầu có thể khó khăn, nhưng trẻ sẽ hiểu và có hành vi tốt hơn ở lần sau.
Thiên tài Einstein đã từng nói: “Mỗi người sinh ra là một thiên tài. Nếu bạn đánh giá sự thông minh của một con cá qua khả năng leo cây của nó thì nó cả đời nghĩ rằng mình thật là thất bại".
Trẻ không có trách nhiệm và cũng không muốn nhận những lời nói tiêu cực từ bạn. Nếu là bạn, bạn cũng không muốn nhận những lời nói tiêu cực ấy từ người khác. Hãy hay đổi để trở nên tích cực, hoặc ít nhất là trung lập trong cách nói để giúp trẻ tự tin và phát triển tốt hơn.
---
Notes:
Anh Nguyen
Fields R.D. (2010) Sticks and Stones--Hurtful Words Damage the Brain. Psychology Today
Greenberg, M. (2012) Worst Mistakes Parents Make When Talking to Kids. Psychology Today.
Mcbride K. (2012) Shaming Children Is Emotionally Abusive. Psychology Today
---
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616