• 111
  • lang
  • lang

Phân biệt trẻ chậm nói và trẻ tự kỉ

Phân biệt trẻ chậm nói và trẻ tự kỷ.

Hiện nay rất nhiều bậc phụ huynh thậm chí là cả bác sỹ vẫn chưa phân biệt được giữa hiện tượng chậm nói và tự kỷ ở trẻ nhỏ. Để hiểu rõ hơn về hội chứng tự kỷ và trẻ chậm nói, bạn có thể tham khảo bài viết.

Những cột mốc phát triển ở trẻ bình thường

– Vào khoảng 9 tháng tuổi, trẻ nói được bập bẹ. Biết chỉ trỏ vào đồ vật, và bị giật mình để phản ứng lại tiếng ồn lớn hoặc bất ngờ.
– Trong độ tuổi từ 9 đến 12 tháng tuổi, trẻ sẽ có thể làm theo định hướng. Chẳng hạn như “Hãy lấy quả bóng.”
– Trẻ em trong độ tuổi từ 1t đến 3t có thể thể hiện rõ nhu cầu và mong muốn. Mà không cần đến cơn giận dữ và có thể nói các từ liên quan một cách có ý nghĩa.

Những dấu hiệu phân biệt trẻ chậm nói và trẻ tự kỷ

Trẻ chậm nói đơn thuần:

Trong giai đoạn từ 12 đến 24 tháng tuổi, bạn nên chú ý nếu trẻ có những dấu hiệu sau:
– Không sử dụng điệu bộ, cử chỉ, chẳng hạn chỉ hoặc vẫy tay bye bye khi được 12 tháng tuổi.
– Thích dùng cử chỉ hơn là lời nói để giao tiếp khi đến 18 tháng tuổi.
– Không bắt chước được âm thanh khi 18 tháng tuổi.
– Có khó khăn trong việc hiểu các yêu cầu đơn giản.

Trong giai đoạn 2-3 tuổi phụ huynh nên đưa bé đi khám nếu phát hiện các dấu hiệu sau:
– Chỉ có thể bắt chước âm thanh hoặc hành động và không tự mình phát âm từ hoặc cụm từ.
– Chỉ nói một số âm thanh hoặc từ nào đó lặp đi lặp lại. Không thể sử dụng ngôn ngữ nói để trò chuyện ngoài những nhu cầu thiết yếu.
– Không thể tuân theo các chỉ dẫn đơn giản.
– Có giọng nói khác thường (nghe như giọng mũi hoặc the thé hoặc bắt chước tiếng con vật trong phim).
– Khó khăn trong việc hiểu ở tuổi này. Cha mẹ phải hiểu được khoảng 1/2 số từ trẻ nói khi 2 tuổi và khoảng 3/4 vào lúc 3t. Vào năm trẻ lên 4 tuổi, thậm chí người lạ cũng phải hiểu được trẻ nói gì.

Trong thực tế, có khoảng 1/4 trẻ chậm nói, một số trẻ đó khá bình thường trong quá trình phát triển. Có thể đạt được mốc phát triển như những trẻ khác vào tuổi lên 2. Có những nguyên nhân ở trẻ chậm nói như: biến cố lúc mới chào đời sinh thiếu tháng, thiếu cân, sinh đôi, sinh ba; trẻ trai thường phát triển ngôn ngữ chậm hơn một số tháng so với trẻ gái. Trẻ chậm nói hoặc chậm phát triển tuy có một số biểu hiện giống trẻ tự kỷ. Như giao tiếp ngôn ngữ kém, chậm đáp ứng yêu cầu người lớn… song các dạng vận động về thể chất và tinh thần hoàn toàn bình thường. Những trẻ như thế này vẫn có thể giao tiếp bằng mắt, và giao cảm tốt với người thân. Tâm vận động như trẻ bình thường.

Trẻ chậm nói tự kỷ:

Thông thường khi trẻ bị mắc hội chứng tự kỷ thường có những biểu hiện cơ bản sau:

– Trẻ đã 1 tuổi mà không có động tác chỉ trỏ gây sự chú ý của người khác. Không có tiếng bập bẹ.

– Không nói được từ nào khi 16 tháng tuổi. Không nói được câu nào gồm 2 từ khi 24 tháng tuổi.

– Trẻ đã có một số kỹ năng ngôn ngữ vào độ tuổi nào đó (14-16 tháng). Nhưng sau đó tự nhiên mất hẳn, thường là sau khi trải qua một sự kiện như ngã ở nhà trẻ, lên sởi, nằm viện…

– Không bị lôi cuốn vào các đồ chơi, trò chơi.

– Rất ít hứng thú kết bạn.

– Không nhìn ai hay chú ý vào ai. Thường chỉ nhìn lâu vào các vật có các động tác đơn điệu, chẳng hạn chiếc quạt đang quay…

– Không trả lời, không ngoảnh lại khi nghe gọi tên.

– Rất ít hoặc không có tiếp xúc mắt.

– Không có động tác giơ tay ra đòi bế ẵm.

– Có các động tác cơ thể lặp đi lặp lại, chẳng hạn như đập đập tay, lắc lư thân thể.

– Khi giận dữ hoặc không đồng ý điều gì đấy thì hét lên (tiếng kêu chói tai). Bứt tóc, đập chân tay xuống sàn nhà, đập đầu vào tường.

– Không thích người khác động chạm vào người.

– Ưa thích sự ổn định trật tự. Thường chống đối rất mạnh mẽ việc thay đổi những gì đã quen thuộc.

– Cực kỳ nhạy cảm đối với một số âm thanh và mùi vị.

Một số dấu hiệu trên cũng có thể xuất hiện ở trẻ bình thường, nhưng chỉ tồn tại đơn lẻ. Nếu thấy một số dấu hiệu xuất hiện đồng thời và dai dẳng, cha mẹ cần đưa trẻ đi kiểm tra hoạt động thần kinh, não và gặp các nhà chuyên môn về tâm lý để sớm được chữa trị.

Cha mẹ có thể làm gì khi trẻ chậm nói?

– Dành thật nhiều thời gian trò chuyện với con, thậm chí từ lúc ẵm ngửa – nói hát và bắt chước các âm thanh và cử chỉ.

– Đọc cho trẻ nghe, bắt đầu từ lúc 6 tháng, những cuốn sách mà trẻ có thể bắt chước cử động, hoặc có các hình hoa văn để trẻ có thể chạm vào. Cho trẻ chỉ các bức tranh và cố gắng gọi tên chúng.

– Tận dụng mọi tình huống hàng ngày để khuyến khích trẻ nói và bộc lộ ngôn ngữ. Mặt khác, bạn cũng nói liên tục nếu có thể. Chẳng hạn, gọi tên thức ăn khi ở trong quầy hàng, giải thích bạn đang làm gì khi bạn đang nấu hoặc lau nhà, chỉ các vật ở quanh nhà, và khi đưa bé lên xe, chỉ các âm thanh mà bạn nghe thấy. Đặt câu hỏi và lắng nghe bé trả lời. Nên đưa trẻ đi khám và can thiệp kịp thời khi trẻ có các dấu hiệu bất thường.

Cách hỗ trợ trẻ tự kỷ

Rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em hiện vẫn còn xa lạ đối với rất nhiều người. Trẻ vẫn khoẻ mạnh bình thường, nhưng luôn có những hành vi bất thường. Nhiều cha mẹ không chú ý đến sự khác thường của con trẻ hoặc có biết thì lại cho là bình thường, nên hầu hết trẻ khi phát hiện đã ở giai đoạn muộn. Nếu gia đình ít cho trẻ giao tiếp với bên ngoài thì mức độ tự kỷ của trẻ càng nặng hơn.

Trẻ tự kỷ cần đượci phát hiện,  đánh giá, hướng dẫn tập luyện bởi đội ngũ nhiều chuyên gia như bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ tâm thần nhi, nhà tâm lý, cán bộ phục hồi chức năng, nhà trị liệu ngôn ngữ, giáo viên giáo dục đặc biệt. Bố mẹ trẻ cần kết hợp chặt chẽ với các nhà chuyên môn để tạo hiệu quả tốt trong việc tập luyện. Việc phát hiện muộn tự kỷ sẽ hạn chế rất nhiều kết quả trị liệu, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển ngôn ngữ và khả năng xã hội của trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý quan sát các biểu hiện của trẻ để phát hiện sớm.

Dù con bạn ở tuổi nào đi nữa, nhận ra và xử lý vấn đề càng sớm càng tốt. Bạn nên đưa bé đến khám tại các bệnh viện uy tín để được bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân và tư vấn điều trị!

Cha mẹ có thể liên hệ số điện thoại 111 hoặc 02437476154 để được hỗ trợ thêm khi nghi ngờ con có các dấu hiệu của Chậm nói hoặc Rối loạn phổ tự kỉ.

(Nguồn: sưu tầm)