• 111
  • lang
  • lang

Quá trình hình thành và phát triển Chương trình truyền hình “Vì Trẻ Em”

         

           Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Năm 1993, do nhu cầu cấp thiết phải tuyên truyền về hoạt động của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và việc thực hiện Công ước. Ủy ban Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam đã phối hợp tổ chức sản xuất và phát sóng chương trình Vì trẻ em.

          Tháng 4 năm 1993 Ủy ban BVCSTE Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam đã ra thông báo số 155/TB ngày 24/4/1993 và Quyết định số 63/QĐ-THVN ngày 18/5/1993 thành lập bộ phận sản xuất thử nghiệm chương trình Truyền hình Vì trẻ em.

          Tháng 2 năm 1994 sau gần 1 năm phát sóng thử nghiệm và được sự đồng ý của Bộ Văn hóa – Thông tin, chương trình Truyền hình Vì trẻ em đã được phát sóng chính thức mỗi tháng 2 chương trình trên hệ thống 1 (kênh VTV1) và 2 chương trình trên hệ thống 2 (kênh VTV2) của Đài Truyền hình Việt Nam. Thời lượng là 15 – 20 phút/chương trình.

          Từ năm 1997 đến nay chương trình duy trì phát sóng hàng tuần với thời lượng 15 phút, trên kênh VTV1, với tổng số 52 chương trình/năm.

          Qua 20 năm hoạt động sản xuất và phát sóng, chương trình Vì trẻ em đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan quản lý: Ủy ban Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Việt Nam, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, và nay là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

          Từ những ngày đầu thành lập, truyền hình Vì trẻ em đã khẳng định được vai trò và thế mạnh của mình trong công tác truyền thông – vận động xã hội thực hiện Công ước quốc tế Quyền trẻ em, công tác BVCSTE. Truyền hình Vì trẻ em đã trở thành một phương tiện chuyển tải thông tin hữu hiệu về chính sách của Đảng, Nhà nước về BVCSTE cho khán giả. Chính sách mới về lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em được thông tin kịp thời, những mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở, tấm gương người tốt, việc tốt lĩnh vực này được phản ánh đều đặn. Những phát hiện về vi phạm Luật BVCSGD trẻ em cũng được đăng tải. Nội dung chương trình luôn đảm bảo tính khách quan, chân thật. Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của chương trình. Không quảng cáo trá hình, không chạy theo mục đích thương mại. Truyền hình Vì trẻ em đã đề cập đến mọi mặt trong đời sống của trẻ em. Tình hình thực hiện công tác BVCSTE ở từng địa phương. Công tác giáo dục, những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất trường học cho trẻ em ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em lao động sớm, tình trạng bạo lực với trẻ em, vi phạm quyền trẻ em. Công tác y tế, bảo hiểm dành cho trẻ em. Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hành động vì trẻ em, việc thực hiện xã, phường phù hợp với trẻ em. Hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trợ giúp trẻ em đến trường của cộng đồng, của các tổ chức, cá nhân. Những bài phóng sự điều tra về tình trạng lấn chiếm sân chơi của trẻ em, tình trạng học nhờ, học tạm, tình trạng trẻ em lao động sớm ở các khu du lịch …những nội dung này đều được phản ánh cụ thể và sinh động qua từng thước phim, chương trình, phóng sự của Truyền hình Vì trẻ em.

 Các sản phẩm của Truyền hình Vì trẻ em đã khẳng định được vai trò và thế mạnh của mình trong công tác truyền thông – vận động xã hội  thực hiện Công ước quốc tế Quyền trẻ em, công tác BVCSTE

          Với những đặc điểm và thế mạnh của báo chí truyền hình, Truyền hình Vì trẻ em đã phát huy được chức năng và nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về lĩnh vực BVCSTE, việc thực hiện quyền của trẻ em, Luật BVCSGDTE. Chương trình đã giúp cho khán giả thay đổi nhận thức và cùng hành động  bảo vệ trẻ em. Truyền hình Vì trẻ em hội tụ đầy đủ những thế mạnh của chương trình chuyên biệt. Trong hệ thống các chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam cũng có những chương trình về trẻ em nhưng không có chương trình nào phản ánh về trẻ em một cách đầy đủ, rõ nét theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu như truyền hình Vì trẻ em. Trẻ em là thế giới của người lớn thu nhỏ. Viết về trẻ em nhưng mục đích truyền thông lại dành cho người lớn. Làm thế nào để cho họ thay đổi nhận thức và cùng hành động là một công việc không mấy dễ dàng đối với những người làm truyền hình Vì trẻ em. Giữa sự đa dạng của thời kỳ bùng nổ thông tin  như ngày nay nhưng Truyền hình Vì trẻ em vẫn có một sắc thái riêng, một con đường riêng cho sự phát triển và hoàn thiện để khẳng định vị thế là tiếng nói của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trên sóng truyền hình Việt Nam. 

          Từ năm 2010, bên cạnh việc sản xuất và phát sóng chương trình Vì trẻ em, đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Truyền hình Vì trẻ em còn thực hiện nhiệm vụ sản xuất chương trình truyền hình An sinh xã hội, phát sóng định kỳ hàng tuần trên kênh VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam với thời lượng 10 phút/chương trình. Hiện tại Truyền hình Vì trẻ em mỗi tháng sản xuất 08 chương trình. Ngoài chương trình phát sóng định kỳ hàng tuần chương trình còn sản xuất phóng sự ngắn, tin tức phản ánh hoạt động của Bộ LĐTBXH trên hệ thống bản tin Thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam.

          Trong 20 năm hoạt động trong ngành truyền hình đã có hàng nghìn chuyến đi tác nghiệp của phóng viên ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Có những chuyến đi phóng viên phải đi bộ hàng chục cây số đường rừng giữa trời mưa, giá rét của vùng cao. Có những đêm phóng viên thức cùng trẻ em lao động sớm ở sapa để ghi lại những hình ảnh về cuộc sống khó khăn, vất vả của các em. Lăn lộn cùng trẻ em lang thang đường phố, sống cùng trẻ em nơi bãi giữa sông Hồng để cảm nhận sự khó khăn, thiếu thốn của trẻ em.  Có  nhiều phóng sự sau khi phát sóng đã có khán giả gọi điện đến liên hệ xin được hỗ trợ, giúp đỡ các em, nhân vật trong phóng sự. Ví dụ như phóng sự Những đứa trẻ ở bãi giữa sông Hồng; Học nhờ ở đình làng; chân dung em Tạ Thùy Dương

           Sự hình thành và phát triển của truyền hình Vì trẻ em đều gắn với những dấu mốc quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của công tác BVCSTE của đất nước. Trong 20 năm hoạt động, truyền hình Vì trẻ em đã sản xuất được hàng nghìn chương trình. Hàng năm chương trình sản xuất và phát sóng hàng chục phóng sự và các sản phẩm truyền thông phục vụ công tác truyền thông trong lĩnh vực BVCSTE và các lĩnh vực khác do Bộ LĐTBXH quản lý như dạy nghề, lao động việc làm, bình đẳng giới, an toàn vệ sinh lao động.

           Trong những ngày đầu thành lập, chương trình chỉ có ba người gồm 2 phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam và một cán bộ của Uỷ ban BVCSTE Việt Nam. Năm 1995, số phóng viên của Đài được điều chuyển đi làm chương trình khác, việc sản xuất chương trình Vì trẻ em chỉ do Uỷ ban BVCSTE Việt Nam đảm nhiệm. Sau 5 năm phát sóng, số lượng phóng viên của chương trình có 4 người. Sau 20 năm, từ phát sóng thử nghiệm đến phát sóng chính thức, chương trình từ  03 người  đảm nhiệm đến nay đã có 9 người là biên tập, quay phim, kỹ thuật.

           Được sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay chương trình đã có một cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng được tiêu chuẩn phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam. Truyền hình Vì trẻ em hiện đang quản lý một xe ô tô chuyên dụng, 3 máy quay hiện đại, 2 bàn dựng phi tuyến tính và một trường quay nhỏ. Việc sản xuất chương trình được thực hiện đồng bộ từ khâu lên ý tưởng kịch bản, xây dựng kịch bản, ghi hình tại hiện trường và dàn dựng hậu kỳ. Sau mỗi một chương trình  phát sóng, việc đánh giá, nhận xét chất lượng được thực hiện nghiêm túc giữa quản lý và ekips thực hiện chương trình. Quy trình sản xuất thực hiện nghiêm túc cùng với sự theo dõi sát sao của lãnh đạo, quản lý đã góp phần tạo nên hiệu quả của truyền hình Vì trẻ em. Chương trình luôn được lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam đánh giá là một trong những chương trình chuyên đối tượng đạt chất lượng tốt.

           Để đáp ứng việc sản xuất chương trình theo yêu cầu chất lượng nội dung cũng như hình thức thể hiện của Đài Truyền hình Việt Nam. Truyền hình Vì trẻ em đã tuyển dụng những phóng viên, biên tập viên được đào tạo chuyên môn bài bản. Hiện nay chương trình đã có một đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp, có kinh nghiệm tác nghiệp và đặc biệt là tâm huyết với nghề. Có những phóng viên gắn bó với truyền hình Vì trẻ em đã 16 – 20 năm. Hàng năm, Truyền hình Vì trẻ em cũng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho phóng viên, biên tập viên. Tổ chức các cuộc hội thảo góp ý, rút kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất chương trình. Bên cạnh việc đào tạo, nâng cao năng lực cho phóng viên, chương trình còn mở rộng đội ngũ cộng tác viên ở các vùng miền, địa phương trong cả nước để cung cấp tin, bài. Hiện nay, chương trình đã có mối quan hệ hợp tác với hầu hết các Đài truyền hình địa phương và Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại các khu vực.

          Hoạt động xã hội, vì lợi ích cộng đồng cũng là một hoạt động trong nội dung công tác của Truyền hình Vì trẻ em. Thông qua nội dung phản ánh của phóng sự, nhiều bậc cha, mẹ đã liên lạc với chương trình để nhờ can thiệp, trợ giúp như phẫu thuật chỉnh hình miễn phí, trị liệu tâm lý cho trẻ em tự kỷ, can thiệp hỗ trợ về pháp lý. Tổ chức thực hiện chương trình “Học bổng đỡ đầu” cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Những hoạt động xã hội tuy còn nhỏ bé nhưng đã thể hiện vai trò và trách nhiệm xã hội của một đơn vị báo chí.