• 111
  • lang
  • lang

Tại sao chúng ta dễ quát mắng con trẻ?

Một người mẹ tâm sự: hồi nãy con em đang vui cái gì cứ nhảy tưng trên ghế nệm, em bực quá quát nó: "im ngay không!", có vẻ con hết hồn, mà nằm lăn ra khóc tức tưởi gần 1 tiếng. Giờ nhìn con ngủ, nhưng em thấy hối hận lắm, do một phần mệt vì vừa đi làm về, một phần không kìm được tức giận!

Quát mắng là 1 hành vi được xem là "lười suy nghĩ" của não bộ chúng ta. Nó thể hiện sự thiếu đánh giá, thiếu suy nghĩ, thậm chí là thiếu ngôn từ. Khi gặp một tình huống gây mệt mỏi, khó chịu, não bộ chọn cách lười biếng này! Dạng như, bất lực không biết nói gì, cứ nói đại 1 thứ với giọng cao hơn bình thường.

Bạn biết không? vì đây là hành vi tạm bợ của não bộ, nó không khác gì cái hất tay xua đi với trẻ, dĩ nhiên chả đem lại thông tin gì cho trẻ vì nó không phải là giao tiếp. Thật thú vị, một nghiên cứu từ ĐH Pittsburgh, Mỹ dẫn đầu bởi TS. Schlozman đã tìm thấy quát mắng hổ báo gây hại không khác gì đánh trẻ. Một số tác hại có thể liệt kê như:

+ Kích hoạt hành vi bạo lực ở trẻ

+ Ngôn ngữ kém phát triển -điều này thấy rất rõ trong cách trẻ giao tiếp với cha mẹ và bạn bè. Trẻ chỉ thường la, khóc, hay cắn đánh để thể hiện điều trẻ muốn hay không muốn.

+ Trẻ trở nên ít tôn trọng người thường la mắng hổ báo. Nhiều người nghĩ rằng la mắng đánh phạt làm trẻ sợ nghe lời, nhưng cách đó chỉ áp dụng với động vật bậc thấp, với loài người bậc cao là 1 chuyện khác. GS. Pagel, ĐH Reading, Anh Quốc từng chia sẻ ngôn ngữ là dạng tiến hóa chỉ có ở con người và bắt đầu cách đây từ 200,000 năm song song với phát triển tâm trí, điều đã tách biệt con người với động vật, để con người phát triển xã hội hiện đại. La mắng hổ báo là đang đi ngược tiến hóa!

Như vậy, quát mắng con không chỉ không mang ý nghĩa thông tin, mà còn gây hại như đánh trẻ.

CÓ THỂ HIỂU LÀM CHA MẸ ĐẦY ÁP LỰC!

Mỗi ngày, thật sự chúng ta đang chịu quá nhiều áp lực từ cuộc sống, công việc và cả trong việc nuôi dạy con, nhưng không nên "giận cá chém thớt" lên đứa trẻ vô tội. Dù không nói ra, nhưng tôi tin rằng mỗi người trong chúng ta đều cảm thấy hối hận sau khi la mắng con vô cớ. Đây là tâm lý chung của tất cả mọi người làm cha mẹ.

Vậy, nếu đã lỡ mắng con do không kiểm soát được cảm xúc, chúng ta nên làm gì

CHÚNG TA NÊN LÀM GÌ, NÓI GÌ KHI LỠ MẮNG CON VÔ CỚ!

Nếu chỉ dừng lại hối hận như trên là chưa đủ, bạn cần phải hành động. Đây là những điều cha mẹ có thể tham khảo.

1. Nhận lỗi với trẻ! dù trẻ ở bất kì độ tuổi nào

Nhiều bạn sẽ cho rằng trẻ nhỏ quá, nhận lỗi không có giá trị gì. Nó không nằm ở liệu trẻ có chấp nhận lời nhận lỗi của bạn không, mà là liệu bạn có dũng cảm nhận lỗi không vì đó cũng là cách bạn dạy trẻ thấy: tất cả mọi người ai cũng có lúc mắc lỗi, và dũng cảm nhận lỗi là điều cần làm. Bạn chỉ cần ngồi hay bế trẻ để tầm mắt cả hai ngang bằng nhau, và nói "mẹ xin lỗi vì đã quát con! mẹ yêu con nhiều".

Nếu đã lỡ mắng con do không kiểm soát được cảm xúc, hãy nhận lỗi với trẻ.

2. Nhận lỗi với trẻ! Dù trẻ đang có lỗi/làm sai.

Bạn đã sai khi la mắng hổ báo dù trẻ có lỗi. Đơn giản vì bạn có ngôn ngữ và sử dụng nó thành thạo hơn trẻ ít nhất 2 thập kỉ và có trách nhiệm sử dụng nó đúng để giáo dục trẻ, chứ không la mắng phi ngôn ngữ như vậy. Dù trong trường hợp trẻ sai, bạn vẫn nhận lỗi như trên vì bạn nhận lỗi về cách ứng xử sai của bạn, nhưng không "chiều" theo cách trẻ đang làm sai, bạn vẫn giữ đúng nguyên tắc "đúng" và "sai" trong xử lý hành vi sai của trẻ.

Nếu trẻ làm sai, hãy giải thích tại sao mẹ không đồng ý, mô tả cái gì trẻ đã làm sai và hướng dẫn cách trẻ làm tốt hơn.

3. Hãy sửa lỗi! Đừng chỉ nhận lỗi.

Cố gắng đừng để sự nhận lỗi về cách ứng xử sai của bạn lập lại. Điều này không hay tí nào! Nó làm mất đi ý nghĩa nổ lực của bạn để trẻ hiểu: sai cần dũng cảm nhận lỗi và khắc phục.

4. Đừng chỉ hối hận! Mà tập hồi tưởng

Bạn hãy tập suy nghĩ kĩ về hành vi của trẻ trước khi la mắng. Điều này sẽ có ích rất nhiều trong kiểm soát hành vi ứng xử của bạn. Một chi tiết nhỏ trong câu chuyện người mẹ ở đầu bài "con em đang vui cái gì...". Cái đó là cái gì? Liệu sự la mắng có tắt đi niềm vui, sự sáng tạo của trẻ không? Giá như mình hỏi trẻ, có thể đã có nhiều điều tích cực hơn xảy ra thay vì là dùng la mắng kiểu hổ báo.

---

Nguồn: Anh Nguyen

Note

Study says yelling is as hurtful as hitting. 2013. AAP news.

Mark Pagel. 2019. The evolution of language: from speech to culture. University Glasgow's Public Lectures

Amanda Rueter. 2016. Stop Yelling Handbook

---- 

Hãy liên hệ với tổng đài 111 hoặc số điện thoại 02437476154 nếu bạn đang mong muốn được hỗ trợ trực tiếp.

Văn phòng tư vấn trị liệu tâm lý trẻ em - số 44/84 Ngọc Khánh - Ba Đình - Hà Nội:
- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý miễn phí cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc bị ảnh hưởng của bạo lực dẫn đến sang chấn tâm lý.

- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý trực tiếp cho những trẻ em bị rối nhiễu như trẻ tự kỉ, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ bị trầm cảm, trẻ chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển ngôn ngữ.

- Tham vấn tâm lý làm bạn cùng con ở tuổi dậy thì

- Tham vấn tâm lý stress, trầm cảm, lo âu.