Những gia đình có trẻ em rối loạn phổ tự kỉ (RLPTK) phải đối mặt với rất nhiều thách thức sau khi trẻ có kết luận chẩn đoán RLPTK. Bên cạnh những diễn biến tâm lý của các thành viên trong gia đình, những thách thức về các khoản chi phí liên quan đến chăm sóc, giáo dục trẻ thì việc đối mặt với những khó khăn trẻ gặp phải và hành vi không phù hợp của trẻ hàng ngày cũng là một thách thức lớn.
Cha mẹ có trẻ em RLPTK chịu căng thẳng nhiều hơn so với cha mẹ có trẻ em khuyết tật trí tuệ và hội chứng đao (down). Chăm sóc một người không thể giao tiếp được sẽ vô cùng khó chịu. Trẻ em RLPTK không thể diễn đạt những nhu cầu hay mong muốn cơ bản. Trẻ không thể nói cho che mẹ mình bị đói bụng, khát nước, đau đớn một cách thông thường, mà thể hiện điều đó bằng cách thức riêng biệt như khóc lóc, ăn vạ, tự đánh mình..., và cha mẹ buộc phải hiểu rõ những điều đó để đáp ứng và giáo dục trẻ. Khi cha mẹ không thể biết được mong muốn của con, họ trở nên căng thẳng, bực bội. Sự tăng động, dễ mất tập trung, bột phát của trẻ khiến cha mẹ phải giám sát con nhiều hơn, phòng ngừa an toàn nhiều hơn. Những đặc tính này cản trở sinh hoạt và học tập của trẻ. Hơn nữa, do trẻ không có khả năng tự chơi và chơi tuân thủ đúng quy tắc buộc cha mẹ, người chăm sóc trẻ phải giành thời gian cho trẻ nhiều hơn. Do vậy, thời gian của trẻ em và những người con khác trong gia đình cũng bị ảnh hưởng theo.
Các hoạt động của gia đình như ăn uống, vui chơi, xem phim hay thư giãn nghỉ ngơi đều phải chạy theo tâm trạng và hành vi của người con RLPTK. Các câu hỏi thường trực: con có ngồi yên được không? Con có ăn được thứ mọi người ăn không? Con có ném đồ vào người khác khi tức giận không? Tiếng ồn trong rạp xiếc có quá to với con không?... khiến cha mẹ cảm thấy lo lắng khi có kế hoạch đi ra ngoài.
Vợ chồng thường không thể giành thời gian riêng cho nhau vì mất quá nhiều thời gian chăm sóc cho con và cũng khó tìm được ai trông nom trẻ khi bố mẹ trẻ có nhu cầu đi đâu đó. Tất cả những khó khăn do khiếm khuyết và hành vi của trẻ tạo ra khiến gia đình kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần.
Gia đình là nhân tố quan trọng trong quá trình can thiệp và hỗ trợ trẻ RLPTK, bởi vậy mỗi thành viên trong gia đình không may có trẻ mắc RLPTK cần phải cùng cố gắng, cùng tìm hiểu, chấp nhận và phối hợp với nhà chuyên môn trong quá trình giáo dục cho trẻ. Bên cạnh đó, mọi người trong xã hội cũng cần được nâng cao nhận thức về trẻ RLPTK để có sự cảm thông, chia sẻ và phối hợp trong việc ứng xử, giáo dục trẻ RLPTK.
-----
Nguồn: Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỉ tại Việt Nam – Quỹ bảo trợ Trẻ em Việt Nam.
-----
Hãy liên hệ với tổng đài 111 hoặc số điện thoại 02437476154 nếu bạn đang mong muốn được hỗ trợ trực tiếp.
Văn phòng tư vấn trị liệu tâm lý trẻ em - số 44/84 Ngọc Khánh - Ba Đình - Hà Nội:
- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý miễn phí cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc bị ảnh hưởng của bạo lực dẫn đến sang chấn tâm lý.
- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý trực tiếp cho những trẻ em bị rối nhiễu như trẻ tự kỉ, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ bị trầm cảm, trẻ chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển ngôn ngữ.
- Tham vấn tâm lý làm bạn cùng con ở tuổi dậy thì
- Tham vấn tâm lý stress, trầm cảm, lo âu.