Là cha mẹ chúng ta đều yêu thương con mình. Có nhiều cách thể hiện tình yêu trong gia đình qua lời nói như "con yêu của mẹ" hay "cục cưng mẹ thương, cái bàn làm đau con hả, mẹ đánh cái bàn nha, hoặc bằng vật chất. Tôi có 1 người bạn, lúc nào anh ta cũng mua cho con gái đồ chơi và quần áo đẹp, đặc biệt vào những dịp ngày lễ, kĩ niệm, nhưng thực sự chưa có ngày nào cậu ta ngồi xuống chơi với bé. Liệu những cách thể hiện yêu thương như vậy có thực sự là bạn thể hiện tình yêu với con? Liệu trẻ có lợi ích gì không? Và làm sao để thể hiện tình yêu với con trẻ?
Món quà lớn nhất của tình yêu mà trẻ mong muốn có-không ai khác đó chính là bạn
TÌNH YÊU
Thể hiện tình yêu với trẻ không chỉ dừng lại là những lời khen tặng, lời yêu thương hay cho trẻ cái này cái kia, mà món quá lớn nhất của tình yêu mà trẻ mong muốn có-không ai khác đó chính là bạn. Liệu bạn có dành thời gian để chơi, trò chuyện và hiểu trẻ hay không! Có như vậy, đứa trẻ mới thực sự đang nhận được tình yêu to lớn từ bạn.
THỂ HIỆN TÌNH YÊU ĐÚNG CÁCH
Đừng chỉ dùng các cách khen đầu môi, hay vật chất, mà hãy dùng tình yêu của bạn. Nó rất dễ thực hiện:
1. Thể hiện sự tôn trọng và lắng nghe khi trẻ nói chuyện
Khi trẻ trò chuyện là mong muốn cha mẹ lắng nghe. Khi bạn không lắng nghe, sẽ đến lúc trẻ không còn cần bạn nghe nữa.
2. Thể hiện sự tin tưởng của bạn lên trẻ
Chúng ta đánh giá trẻ là 1 cá thể nhỏ chưa hiểu gì, thì không thể tôn trọng và tin tưởng vào trẻ. Thực ra, trẻ không phải là đứa trẻ nhỏ không biết gì, cách trẻ hiểu, cách trẻ làm là cần được đánh giá đúng độ tuổi của trẻ, hơn là cho rằng "nó nhỏ biết gì đâu mà nói".
3. Bạn nên cho trẻ biết trẻ là 1 phần kí ức của bạn
Điều này nên làm như những cuộc trò chuyện với trẻ trên ghế sofa hay buổi pi cnic. Câu chuyện có thể đan xen vào cách mà bạn nhớ con đã làm gì, con nói cái gì trong 1 sự kiện nào đó. VD: con nhớ không, con đã cầm nhầm chai dấm của mẹ tưởng là xì dầu xịt vào dĩa của con. Đó là cách mà bạn vẫn lưu giữ trẻ trong những kí ức. Khi nhận ra rằng mình là 1 phần trong kí ức hạnh phúc của cha mẹ, trẻ sẽ biết cha mẹ là 1 phần trong kí ức vui vẻ của trẻ.
Bạn nên cho trẻ biết trẻ là 1 phần kí ức của bạn
4. Tham gia vào hoạt động của trẻ khi trẻ mời nếu bạn chắc chắn có thời gian toàn tâm làm nó. Nếu không thể hãy cho trẻ 1 cái hẹn khác
Nếu chịu khó quan sát, bạn sẽ thấy không phải ai trong nhà cũng có diễm phúc được trẻ "mời chơi cùng". Chúng ta thường hay nói "nó thân ba hơn mẹ" là vậy. Thực ra sự thích 1 ai để chơi cùng sẽ không cố định, sẽ thay đổi. Dưới 2 tuổi trẻ thường thích mẹ, nhưng 3-5 tuổi có thể thích ba, hoặc 1 thành viên khác. Có 1 điều chúng ta nên hiểu: trẻ chọn bạn chơi cùng có nghĩa là bạn đang "trúng số" đấy. Vì sao? Vì khi đó, trẻ bắt đầu chia sẻ sự hạnh phúc của trẻ. Đừng cự tuyệt hay quá bận bịu mà bỏ qua cơ hội này.
Hãy toàn tâm toàn ý khi giành thời gian chơi với trẻ
5. Thỉnh thoảng "phá luật" để nâng cao trí tưởng tượng của trẻ
Nếu bạn yêu thương trẻ đủ lớn thì sẽ dám phá cái mà được cho là "chuẩn mực xã hội"-nhưng thực ra là lối suy nghĩ của đám đông. VD. ai cũng bảo vẽ lá phải màu xanh. Một ngày con bạn vẽ chiếc lá màu đỏ. Cô giáo phê bình con "không biết quan sát", bạn bè bạn chê rằng "bà không dạy con là lá màu xanh à"; 100% trong lớp ai cũng vẽ lá màu xanh... Rồi, bạn bực tức la con rằng: có cái lá màu đỏ đâu, phải vẽ màu xanh chứ. Thực ra, trí tưởng tượng, sự suy nghĩ và quan sát của con trẻ là cần đánh giá riêng biệt để hiểu cách trẻ thể hiện, đừng áp đặt 1 chuẩn mực xã hội số đông để giới hạn khả năng tưởng tượng của các con. Cô bé vẽ chiếc là màu đỏ ấy không phải là trường hợp đặc biệt, có 1 cô bạn của tôi cũng từng là cô bé với chiếc là màu đỏ, và bây giờ là 1 Giáo sư sinh học rất nổi tiếng tại Oxford, đơn giản bởi vì cô đã quan sát và nhận ra có những chiếc lá mà không chỉ có màu xanh. Yêu thương con trẻ cũng cần thể hiện qua cách chúng ta phản ứng như thế nào với con trẻ để con trở nên tự tin và phát triển tốt nhất, cho dù cả xã hội có quay lưng với con
Hãy chớp cơ hội nâng cao trí tưởng tượng của trẻ một cánh khéo léo.
--
Nguồn tham khảo: Anh Nguyen
Note
A guide to building healthy parent-child relationships. A Positive, Rights-Based Approach. 2012. Save The Children
---
Hãy liên hệ với tổng đài 111 hoặc số điện thoại 02437476154 nếu bạn đang mong muốn được hỗ trợ trực tiếp.
Văn phòng tư vấn trị liệu tâm lý trẻ em - số 44/84 Ngọc Khánh - Ba Đình - Hà Nội:
- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý miễn phí cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc bị ảnh hưởng của bạo lực dẫn đến sang chấn tâm lý.
- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý trực tiếp cho những trẻ em bị rối nhiễu như trẻ tự kỉ, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ bị trầm cảm, trẻ chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển ngôn ngữ.
- Tham vấn tâm lý làm bạn cùng con ở tuổi dậy thì
- Tham vấn tâm lý stress, trầm cảm, lo âu.