Thời điểm can thiệp tốt nhất cho trẻ tự kỷ là ba năm đầu đời, do bộ não có tính linh hoạt, nơron thần kinh liên kết lỏng nên dễ nối kết.
Thông tin được bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang - nhà chuyên môn về tâm thần kinh và các khuyết tật phát triển của trẻ tại TP HCM chia sẻ trong buổi Tọa đàm "Giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng"
Bác sĩ Giang chia sẻ về những dấu hiệu giúp phụ huynh nhận biết trẻ tự kỷ từ sớm
Tham dự chương trình còn có bà Võ Thị Thùy - Hiệu trưởng trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí (TP HCM); bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ - Đại diện nhà tài trợ và nhà khởi xướng dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam".
Theo bác sĩ Giang, trẻ tự kỷ cần được tác động trước 3 tuổi, thời gian 10-15 giờ một tuần - can thiệp 1:1 (một nhà chuyên môn, một trẻ). Thời gian có thể kéo dài trong vài năm, tùy theo tình trạng từng em.
Bà Võ Thị Thùy - Hiệu trưởng trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí (TP HCM) cho biết, không phải ngẫu nhiên mà thế giới chọn 2/4 hàng năm làm ngày thế giới nhận thức về tự kỷ. Nhiều người không chấp nhận con em mình mắc chứng tự kỷ. Một số còn quan niệm mê tín hoặc kỳ thị trẻ tự kỷ, gia đình các em. Điều đó càng khiến nhiều phụ huynh giấu giếm việc con bị tự kỷ. Hậu quả là trẻ không được can thiệp sớm, làm cho quá trình hòa nhập với cộng đồng gặp khó khăn. Nếu được phát hiện, can thiệp vào độ tuổi "vàng" (trong ba năm đầu đời), việc điều trị cho trẻ sẽ có những chuyển biến tích cực.
Tất cả chương trình can thiệp thế giới đều có phụ huynh tham gia vì không ai gần con hơn chính cha mẹ và họ cần có trách nhiệm với con. Sự ủng hộ của đấng sinh thành giúp trẻ phát triển theo chiều hướng tích cực. Về mặt can thiệp cần có thêm nhà chuyên môn - người hướng dẫn, có cái nhìn khách quan để xử trí hiệu quả. Phụ huynh cũng có thể học những cách can thiệp của nhà chuyên môn để giúp con hòa nhập tại gia đình, cộng đồng.
Theo đó cần tổ chức trò chơi, chơi và tương tác liên tục với trẻ. Vì dịch bệnh, trẻ không đến trường, chỉ chơi trong nhà, dễ quậy phá. Đối với trẻ tự kỷ càng khiến cha mẹ gặp khó khăn gấp nhiều lần. Cha mẹ nên trao đổi ý kiến với nhà chuyên môn, thầy cô, đọc tài liệu để có lên kế hoạch vui chơi phù hợp với trẻ. Chính phụ huynh cũng cần thay đổi, phải học cách tương tác với con nhiều hơn.
Là nhà tài trợ và đồng khởi xướng dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam", bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ chia sẻ, cha mẹ cần quan tâm con ngay từ nhỏ, chơi với con nhiều để phát hiện ra điều bất thường (trong giai đoạn 1 đến 3 tuổi) nhằm can thiệp kịp thời. Cha mẹ hiện đại rất bận rộn, không có nhiều thời gian cho con, giao phó cho người giữ trẻ mà không để ý những biểu hiện của bé. PNJ quyết định tham gia dự án vì thấy chung quanh có nhiều người khổ sở khi phát hiện con bị tự kỷ và bỏ ra vài năm để gần gũi, quan tâm chữa trị cho các bé. Khi phát hiện ra vấn đề, con có thể đã bị tử kỷ trầm trọng, lúc này phụ huynh mới luống cuống tìm đến chuyên gia.
Dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ
Bên ngoài, các em có thể bình thường nhưng có khi không biết nói chuyện, không chơi với ai, khó hòa nhập, thích một mình... Chứng tự kỷ thường gặp trước ba tuổi.
Tự kỷ nhẹ và nặng là thuật ngữ để đánh giá dựa vào chức năng xã hội của trẻ. Trẻ có chức năng xã hội khá như biết nói, biết chơi, có thể kết nối với người khác, chỉ số IQ (trên 80) nhưng gặp khó khăn như nói không đầy đủ, diễn đạt kém, thích một mình... được xem là tự kỷ dạng nhẹ.
Trẻ càng kém giao tiếp xã hội, kém về mặt trí tuệ thường hay kèm theo những khuyết tật về trí tuệ (IQ thấp) sẽ ở mức độ nặng. Tuy nhiên, mức độ nhẹ hay nặng chỉ mang tính tương đối, có thể thay đổi theo sự can thiệp phù hợp nên phụ huynh không nên nản lòng.
Khoa học chưa tìm ra nguyên nhân gây tự kỷ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chứng minh rằng, tự kỷ là rối loạn chức năng não bộ sớm liên quan đến chức năng ngôn ngữ, giao tiếp, tương tác xã hội... Yếu tố về gen đóng vai trò quan trọng gây ra những rối loạn này. Có vài trăm gen liên quan đến hoạt động vùng não, ngôn ngữ, tương tác xã hội. Gen có nhiều nguồn bất thường khác nhau, trong gia đình có người chậm hoặc khó khăn về giao tiếp thì tỷ lệ mắc cao so với những gia đình không có. Nếu trong gia đình, họ hàng không có người bị mắc tự kỷ, có thể do đột biến bất thường trong thai kỳ hoặc liên quan đến tuổi tác của cả cha và mẹ. Nếu hội chứng Down liên quan chủ yếu đến tuổi tác người mẹ, thì đối với tự kỷ, người cha lớn tuổi cũng là yếu tố nguy cơ.
Có nhiều người đỗ lỗi tự kỷ do chơi các thiết bị điện tử nhiều nhưng thực ra những trẻ tự kỷ - bản chất của các em là gặp khó khăn về tương tác xã hội, không dễ kết nối với người khác bằng ngôn ngữ. Chúng có khuynh hướng thích hoạt động có tính máy móc, rập khuôn trong các trò chơi vì dễ tiên đoán. Ở trẻ này, chức năng liên hệ với sự lặp lại trong não bộ rất mạnh nhưng chức năng liên hệ với sống động, cảm xúc lại khó khăn.
Các en thích chơi với thiết bị điện tử rất lâu và chính vì điều này càng làm giảm thời gian tương tác thực tế, hạn chế nối kết thực tế, học ngôn ngữ với người bên ngoài xung quanh, yếu tố này như "giọt nước tràn ly". Trẻ đã kém giao tiếp, phụ huynh thấy chúng chơi với thiết bị lại yên tâm không cần dỗ dành, bản thân mình có thời gian để làm việc khác. Kết quả là làm giảm tương tác xã hội thực tế của con, tạo thành vòng lẩn quẩn, chứ không phải thiết bị điện tử làm cho trẻ tự kỷ. Song, cha mẹ nên hạn chế tối đa cho con chơi điện tử một mình để tránh tình trạng tự kỷ nặng thêm.
Cộng đồng chung tay giúp trẻ tự kỷ
Dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận - PNJ phối hợp khởi xướng và đồng hành trong 5 năm (từ 2018 - 2022). PNJ tài trợ khoảng 10 tỷ đồng, nhằm hướng đến mục tiêu hơn 10.000 gia đình và trên 4.000 trẻ tự kỷ hưởng lợi trực tiếp từ các hoạt động của chương trình.
Để cho ra bộ tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng trẻ tự kỷ, có rất nhiều hội thảo khoa học được tổ chức, có sự tham gia của chuyên gia tâm lý. Nhiều sáng kiến hay giúp đỡ các em. PNJ tiếp tục làm việc với những trung tâm trẻ khuyết tật, các trường giáo dục chuyên biệt để cùng chung tay lan tỏa dự án. Năm vừa qua, công ty tài trợ cho bộ phim "Hạnh phúc của mẹ" về trẻ tự kỷ và tấm lòng của người mẹ dành cho con. "Tôi nghĩ đây là dự án có ý nghĩa, đi cùng với các nhà khoa học, đánh lên tiếng chuông giúp cộng đồng, nhà giáo dục, phụ huynh hiểu rõ về tự kỷ", bà Dung nói thêm
Dự án với mục mang đến "cần câu" hơn là "con cá". Bộ tài liệu này giúp thầy cô, cha mẹ có thể can thiệp cho trẻ bởi các em cần sự thấu hiểu và yêu thương. Trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí còn triển khai, phát bộ tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng trẻ tự kỷ cho giáo viên. Nhà trường cũng có kế hoạch triển khai sâu rộng đến các phụ huynh của trường. Sách bao gồm nhiều phần chuyên môn khác nhau gồm chẩn đoán, loại hình can thiệp...
Kế hoạch tiếp theo của dự án là phát hành thêm sách, có điều chỉnh, bổ sung dựa trên các ý kiến đóng góp. Ban dự án của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, PNJ tiếp tục đưa những sáng kiến cùng ban dự án của quỹ để tổ chức thêm nhiều hoạt động, kêu gọi sự hưởng ứng của cộng đồng trong việc chung tay giúp trẻ tự kỷ hơn nữa.
---
Nguồn: Kim Uyên - Thư Kỳ