TỰ KỶ THOÁI LUI LÀ GÌ?
Khái niệm tự kỷ thoái lui
Tự kỷ thoái lui hay còn được gọi là hội chứng Heller và rối loạn tâm thần tan rã, là một tình trạng hiếm gặp, đặc trưng bởi sự khởi phát muộn (ở trẻ trên 3 tuổi) chậm phát triển về ngôn ngữ, chức năng xã hội và kỹ năng vận động. Đây là một chứng rối loạn phức tạp ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau trong sự phát triển của trẻ. Nó được xếp chung nhóm với các rối loạn phát triển lan tỏa (PDDs) và có liên quan đến chứng rối loạn tự kỷ được biết đến nhiều hơn và phổ biến hơn.
Tự kỷ thoái lui là một tình trạng lâm sàng giống tự kỷ hiếm gặp không rõ nguyên nhân, trong đó khả năng thích ứng và ngôn ngữ phù hợp với lứa tuổi mắc phải trước đó kém đi đáng kể ở trẻ khỏe mạnh 2-10 tuổi, mặc dù các đánh giá về thể chất và thần kinh hiển thị không có bất thường quan sát được.
Hầu hết trẻ tự kỷ biểu hiện các bất thường từ trước 12 tháng, nhưng cũng có một số trẻ phát triển bình thường đến sau 12 tháng, trẻ đạt được các mốc kỹ năng và xã hội thích hợp, nhưng sau đó dần mất đi các kỹ năng này, đầu tiên là thoái lùi về ngôn ngữ sau đó là các kỹ năng tương tác xã hội. Thoái lùi xảy ra ở 20-49% các trường hợp tự kỷ, trẻ ít nói dần sau đó ngừng nói, giảm giao tiếp mắt, giảm các cử chỉ như chỉ tay, vẫy tay…Đối với một số trẻ, dấu hiệu tự kỷ có thể xuất hiện từ khi trẻ còn sơ sinh nhưng một số trẻ khác vẫn phát triển bình thường cho đến khi hai tuổi thì các kỹ năng mà trẻ đã có sẽ bị thoái hóa dần.
Đặc điểm của trẻ tự kỷ thoái lui
Các nghiên cứu đã chỉ ra mức độ suy giảm khả năng học tập và xã hội ở trẻ tự kỷ là khác nhau tùy từng trường hợp. Trong đó, hầu hết những trẻ này đã biểu hiện chậm phát triển nhẹ trước khi có dấu hiệu mất khả năng ngôn ngữ. Ngoài ra, gần 77% trẻ bị mất ngôn ngữ cũng mất kỹ năng giao tiếp. Trẻ trước đây rất hay nói nhưng sau đó đột nhiên ngừng nói và mất kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ, bao gồm: Bắt chước, giao tiếp mắt, cử chỉ...
Một số dấu hiệu trẻ tự kỷ thoái lui ở độ tuổi 2-3 tuổi là:
- Thờ ơ với âm thanh, không đáp ứng khi được gọi tên.
- Nói ít hơn trước hoặc không nói chuyện hoàn toàn, kể cả các cử chỉ giao tiếp phi ngôn ngữ.
- Chơi với số ít đồ chơi thay vì toàn bộ, không hiểu tính chất của món đồ chơi.
- Lắc lư, xoay người, đi bằng ngón chân, vỗ tay.
- Hay bị hoảng sợ, kích động hoặc ám ảnh về một thứ gì đó.
- Rất khó để nhìn thẳng vào mắt trẻ, trẻ luôn nhìn láo liêng, không chú ý.
- Dù đồng ý hay không trẻ cũng thể hiện bằng cách gật hoặc lắc đầu.
Như vậy, trẻ tự kỷ thoái lui có các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với những trường hợp chậm phát triển sớm. Chúng có nguy cơ cao hơn trong việc không thể diễn đạt và cũng cần được quan tâm, giáo dục nhiều hơn các nhóm khác. Nói cách khác, sự thoái lui càng rõ rệt thì tự kỷ càng nặng nề sau này.
Trẻ bị tự kỷ thoái lui có ít nhất 2 năm phát triển bình thường trong mọi lĩnh vực — hiểu ngôn ngữ, lời nói, kỹ năng sử dụng các cơ lớn và nhỏ, và phát triển xã hội. Sau giai đoạn phát triển bình thường này, trẻ bắt đầu mất các kỹ năng mà trẻ đã có được. Sự mất mát này thường diễn ra ở độ tuổi từ 3 đến 4, nhưng nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào cho đến khi lên 10 tuổi. Tỷ lệ mắc tự kỷ thoái lui là 1 trên 100.000 trẻ trai và tỷ lệ trẻ trai trên trẻ gái ước tính là 8 trẻ trai trên 1 trẻ gái.
Nguyên nhân gây ra sự thoái lui ở trẻ tự kỷ
Trong những năm qua, đã có nhiều nghiên cứu khác nhau được thực hiện về các nguyên nhân có thể gây ra chứng tự kỷ và chậm phát triển ở trẻ em. Một nghiên cứu tại Đại học California, Davis (Mỹ) đã phát hiện ra rằng, chứng tự kỷ hoặc chậm phát triển có thể do trẻ bị mất khả năng sản xuất năng lượng trong tế bào, tăng stress oxy hóa và tổn thương ty thể. Vì chức năng não và sự phát triển thần kinh phụ thuộc nhiều vào năng lượng, nên việc ty thể không sản xuất đủ năng lượng để cung cấp cho não có thể dẫn đến chậm phát triển và tự kỷ.
Ngoài ra, nhiều bằng chứng liên kết giữa chứng tự kỷ thoái lui và rối loạn chức năng miễn dịch cũng đã được tìm thấy. Các nhà khoa học đã phát hiện ra mức độ tăng cao của tế bào miễn dịch được gọi là tế bào đuôi gai ở trẻ tự kỷ. Sự bất thường về miễn dịch có thể do sự mở rộng của hạch hạnh nhân, là phần của não kiểm soát các phản ứng cảm xúc. Nghiên cứu cho thấy, chứng tự kỷ thoái lui có liên quan đến sự gia tăng mức độ tế bào plasmacytoid, một loại tế bào đuôi gai thường được tìm thấy ở các cơ quan lympho ngoại vi. Mặt khác, một số kháng thể bất thường có thể gây tổn thương não của thai nhi, dẫn đến trẻ tự kỷ sau khi sinh cũng đã được tìm thấy nhưng không rõ ràng.
(Nguồn: Internet)
------
Hãy liên hệ với tổng đài 111 hoặc số điện thoại 02437476154 nếu bạn đang mong muốn được hỗ trợ trực tiếp.
Văn phòng tư vấn trị liệu tâm lý trẻ em - số 44/84 Ngọc Khánh - Ba Đình - Hà Nội:
- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý miễn phí cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc bị ảnh hưởng của bạo lực dẫn đến sang chấn tâm lý.
- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý trực tiếp cho những trẻ em bị rối nhiễu như trẻ tự kỉ, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ bị trầm cảm, trẻ chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển ngôn ngữ.
- Tham vấn tâm lý làm bạn cùng con ở tuổi dậy thì
- Tham vấn tâm lý stress, trầm cảm, lo âu.
- Địa chỉ Fanpage: https://www.facebook.com/tuvantrilieutamlytreem