• 111
  • lang
  • lang

Vì sao trẻ có hành vi ném đồ, đánh, cắn khi bực tức?

Khi giáo dục về hành vi trẻ dưới 5 tuổi, có 1 vấn đề mà nhiều cha mẹ thường quan tâm đó là "trẻ hay ném đồ vật, đánh hoặc cắn cha mẹ và mọi người", đặc biệt là những lúc trẻ không vừa lòng hay bực tức điều gì đó. Điều này có phải là do bản tính của trẻ và hành vi này có làm trẻ trở thành 1 người hay gây hấn trong tương lai không?

ĐỘ TUỔI THƯỜNG XUẤT HIỆN HÀNH VI NÀY

Thông thường, trẻ dưới 6 tuổi đều có thể xuất hiện hành vi này, nhưng thường gặp nhất là 18 tháng -3 tuổi. Điều này là do lúc này trẻ bắt đầu nhận ra bản thân trẻ cả về lời nói, cách trẻ muốn và điều trẻ thích. So với độ tuổi khác, sự nhận ra bản thân ỏ giai đoạn này lớn hơn. Nhưng nếu so với độ tuổi > 6, thì sự nhận ra bản thân lúc này có vài giới hạn như ngôn ngữ diễn đạt và khả năng kiểm soát cảm xúc, do đó có thể lí giải trẻ buộc phải sử dụng 1 số hành vi phi ngôn ngữ để diễn đạt điều trẻ cho là "mình có thể", việc dùng tay chân, la hét, hay miệng cắn là điều dễ hiểu liên quan đến hành vi đang nói ở đây.

Nó sẽ không trở thành tính cách của trẻ lúc lớn, nhưng nếu cha mẹ can thiệp chưa tốt có thể làm trì hoãn giới hạn phát triển các kỹ năng giao tiếp và nhận thức của trẻ- điều này sẽ quan trọng cho khả năng quản lý năng lực cảm xúc khi lớn.

CÁCH ĐÁP ỨNG VỚI HÀNH VI NÀY NHƯ THẾ NÀO?

Chúng ta quát mắng để trẻ sợ mà không tái diễn là không hiệu quả. Nó chỉ có thể ngăn sự tiếp tục hành vi, nhưng không thể ngăn nó tái diễn. Điều chúng ta nên làm là chấp nhận hành vi của trẻ và giúp trẻ thay đổi công cụ sử dụng.

Chấp nhận hành vi là cách chúng ta nên hiểu rằng: dù chúng ta có bình tĩnh, có học thức đến đâu, cũng sẽ có lúc hành động và phát ngôn thiếu suy nghĩ. Nó chỉ có thể được rèn luyện qua giáo dục, trải nghiệm điều tốt và tôi luyện qua thời gian, huống gì trẻ con mà trẻ cũng chưa thật sự sử dụng tốt ngôn ngữ.

Thay công cụ là giúp trẻ hiểu rằng: có những công cụ khác mà cha mẹ "muốn nghe hơn", thay vì cái mà trẻ đang dùng như "đánh, cắn, ném". Những công cụ đó là gì? Đó là lời nói. Dĩ nhiên, trẻ càng lớn ngôn ngữ trẻ phát triển tự khắc trẻ sẽ dùng lời nói thuyết phục bạn nhiều hơn, nhưng hiện tại bạn nên dạy trẻ hiểu một số từ khi diễn tả điều không muốn, điều trẻ thích, điều ngạc nhiên, điều buồn lòng...

THỰC HÀNH NHƯ THẾ NÀO?

Đầu tiên, bạn cần phân biệt liệu hành vi "đánh, cắn, ném" là có phải cách trẻ thể hiện sự tò mò với cái gì không. Ví dụ, trẻ thích ném cái remote TV và ném nhiều lần, đặc biệt khi bạn đi nhặt lại. Đó chỉ là 1 hành vi muốn học hỏi "sự rơi" thông thường ở trẻ. Đáp ứng đơn giản là thay thế bằng vật khác có thể ném được nhưng mang lại hứng thú gấp đôi. VD trái banh có thể ném và tưng lên.

Nếu nhận ra đó là 1 hành vi đi kèm với 1 cảm xúc, bạn đừng tức giận quát mắng, mà thể hiện cho trẻ biết rằng bạn hiểu khi tức giận hành vi này của con là có thể hiểu, nhưng vẫn nghiêm nói để ngăn hành vi này như "Bi con không được cắn, mẹ đau" khi 2 tay giữ bé lại, và cho trẻ công cụ như "nếu con không muốn mẹ cầm, hãy nói "đưa con"". Dạy trẻ công cụ không chỉ dạy lúc giải quyết tình huống, mà cũng nên dạy lồng vào những câu chuyện khi đọc sách cho trẻ mỗi tối. Như, "thỏ con đang tức giận phải không con?" Để trẻ trả lời "dạ", "Tại sao nè?" bạn tiếp tục. "khuôn mặt bốc khói nè mẹ!", bé đáp. "Nhưng, bạn thỏ không đóng sầm cửa như vậy, mà nói với mẹ thỏ là con không thích điều đó!", bạn có thể diễn giải và giáo dục trẻ cách thể hiện cảm xúc thông qua những điều này.

---

Sưu tầm

---

Hãy liên hệ với tổng đài 111 hoặc số điện thoại 02437476154 nếu bạn đang mong muốn được hỗ trợ trực tiếp.

Văn phòng tư vấn trị liệu tâm lý trẻ em - số 44/84 Ngọc Khánh - Ba Đình - Hà Nội:
- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý miễn phí cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc bị ảnh hưởng của bạo lực dẫn đến sang chấn tâm lý.

- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý trực tiếp cho những trẻ em bị rối nhiễu như trẻ tự kỉ, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ bị trầm cảm, trẻ chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển ngôn ngữ.

- Tham vấn tâm lý làm bạn cùng con ở tuổi dậy thì

- Tham vấn tâm lý stress, trầm cảm, lo âu.