• 111
  • lang
  • lang

Time out ở trẻ em là gì? Hướng dẫn thực hiện Time out ở trẻ em.

Time-out là phương pháp dạy con không đòn roi, mục đích của hình phạt này là tách trẻ ra khỏi tình huống gây phiền nhiễu. Điều này giúp bé trấn tĩnh, suy nghĩ về những việc đã làm và tự rút ra bài học để không tiếp tục phạm lỗi. Bạn có thể áp dụng phương pháp này với trẻ từ 3–5 tuổi, khi trẻ bắt đầu có nhận thức căn bản giữa đúng – sai.

Thực tế là cách phạt úp mặt vào tường, phạt quỳ gối hay phạt đứng trong góc nhà mà nhiều gia đình Việt đang áp dụng cũng tương tự như hình phạt time-out.

Thực hiện Time-out như thế nào?

Khi trẻ xuất hiện các cơn Tantrum (các hành vi ương bướng, la hét, khóc đòi bằng được, tức giận, đánh lại cha mẹ, nằm khóc ăn vạ thường xảy ra ở trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 1 – 5 tuổi), sẽ quy ước trước với trẻ một nơi trong nhà gọi là “Vùng time-out”. Nơi này có thể là 1 chiếc ghế ở góc tường hoặc 1 khu vực nào đó, mà nơi đó cần tránh các tác nhân chi phối trẻ khi thực hiện time-out như TV , giường, ghế sofa hoặc đông người nhà đang sinh hoạt. Bạn cũng sẽ nói trước với trẻ rằng, khi con vi phạm luật, con sẽ phải vào vùng time-out này và mẹ sẽ không nói chuyện với con trong suốt thời gian time-out.

Khi trẻ vi phạm, bạn bế bé hoặc yêu cầu bé vào ngay vùng time-out và cho trẻ biết lí do ngắn gọn tại sao con lại vào vùng time-out, ví dụ “Bin, con hãy vào đứng im lặng vào góc tường (vùng time-out) trong 2 phút vì con vừa mở tất cả hộp thuốc của mẹ mà không xin phép mẹ”. Lúc này thái độ của bạn nghiêm và không để ý đến trẻ, thậm chí trẻ la hét. Bạn không nên đôi co, chửi mắng hay chấp nhận lời xin lỗi của bé khi lệnh time-out đã ra. Số phút trẻ ở trong vùng này = số tuổi con bạn. Ví dụ, bé 2 tuổi thì sẽ ở đây 2 phút.

Sau khi time-out kết thúc, bạn hãy nói chuyện chi tiết hơn cho bé nghe tại sao con lại ngồi đây và làm sao để lần sau con không ngồi ở đây nữa

Tantrum có thể xảy ra ở những hoạt động hằng ngày như đi tắm, đi siêu thị, đi nhà sách, rửa tay trước giờ ăn, hoặc giờ cơm đến bởi vì trẻ lúng túng cách cư xử đúng trong những hoạt động này, đặc biệt khi trẻ đang chơi hoặc đang ở trong một hoạt động khác. Cách hữu hiệu là bạn hãy tạo 1 lịch trình các hoạt động này như được báo trước với bé, lịch trình này nên giống nhau như mỗi ngày hoặc mỗi tuần. Ví dụ, mỗi ngày bé sẽ tắm lúc 5 giờ chiều (sau giờ phim hoạt hình Doraemon chẳng hạn) và giờ cơm sáng, trưa và chiều sẽ lần lượt 8 giờ sáng, 11 giờ trưa và 6 giờ chiều. Mỗi tuần, bé sẽ đi siêu thị vào thứ 4 và thứ 6, nhà sách vào thứ 7. Mỗi trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh, bé cần phải rửa tay… Bằng cách cho trẻ biết trước lịch trình, bé sẽ học cách chuẩn bị trước sự việc diễn ra và tantrum cũng ít xảy ra.

Xem thêm: Tantrum là gì?

Hướng dẫn đối phó các cơn lốc Tantrum ở trẻ em.

---

Hãy liên hệ với tổng đài 111 hoặc số điện thoại 02437476154 nếu bạn đang mong muốn được hỗ trợ trực tiếp.

Văn phòng tư vấn trị liệu tâm lý trẻ em - số 44/84 Ngọc Khánh - Ba Đình - Hà Nội:
- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý miễn phí cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc bị ảnh hưởng của bạo lực dẫn đến sang chấn tâm lý.

- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý trực tiếp cho những trẻ em bị rối nhiễu như trẻ tự kỉ, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ bị trầm cảm, trẻ chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển ngôn ngữ.

- Tham vấn tâm lý làm bạn cùng con ở tuổi dậy thì

- Tham vấn tâm lý stress, trầm cảm, lo âu.